Sáng 9/12, Sở GTVT tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Công an tỉnh đã tổ chức cuộc họp kiểm tra xử lý “xe dù, bến cóc”, “xe trá hình tuyến cố định”, “xe ghép, xe tiện chuyến” trên địa bàn Hà Tĩnh.
Ông Trần Quang Tuấn - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hà Tĩnh cùng lãnh đạo công an tỉnh chủ trì buổi họp
Báo cáo tại buổi họp ông Nguyễn Xuân Bảo - Chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Hà Tĩnh cho biết, trên địa bàn tỉnh có 18 đơn vị kinh doanh vận tải (KDVT) khách tuyến cố định với 192 đầu xe; 45 đơn vị KDVT khách bằng xe hợp đồng với 172 đầu xe, 10 đơn vị KDVT bằng xe taxi với 764 đầu xe và 2 đơn vị KDVT bằng xe buýt với đầu xe 128 xe.
Tính đến tháng 11/2022, Sở GTVT đã cấp 66 giấy phép KDVT hành khách, 1.256 phù hiệu xe khách. Tính từ đầu năm tới tháng 11/2022, đã có 30.569 lượt xe khách xuất bến, với 398.977 lượt hành khách.
Thời gian qua, Sở GTVT thường xuyên theo dõi tình hình hoạt động của các đơn vị KDVT khách được cấp giấy phép kinh doanh, phù hiệu xe qua thiết bị giám sát hành trình, camera giám sát trên xe ô tô để kịp thời phát hiện, nhắc nhở, chấn chỉnh trong quá trình hoạt động và thu hồi phù hiệu xe vi phạm. Tăng cường kiểm tra việc kiểm soát xe khách ra, vào bến trên địa bàn tỉnh, tuyệt đối không cho xuất bến đối với các phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật, điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật.
Các doanh nghiệp KDVT cùng ký cam kết không vi phạm trong lĩnh vực vận tải với cơ quan chức năng
Tuy nhiên, tình trạng “xe dù, bến cóc” “xe trá hình tuyến cố định”... đang có chiều hướng gia tăng, gây mất ATGT, cạnh tranh không lành mạnh với các đơn vị KDVT khác trên địa bàn.
Về nguyên nhân vấn nạn đang có chiều hướng bùng phát, theo Sở GTVT tỉnh Hà Tĩnh, các xe hợp đồng do các sở GTVT các tỉnh, thành phố khác cấp phù hiệu hoạt động trá hình như xe tuyến cố định (TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội, Bình Dương..) thường xuyên hoạt động tại Hà Tĩnh khiến địa phương khó quản lý; xe không có phù hiệu hoặc phù hiệu đã hết hạn chạy theo tuyến cố định hoặc xe buýt trá hình trên các tuyến đường trong tỉnh; xe tuyến cố định thuộc Hà Tĩnh cũng như các tỉnh, thành phố khác cấp phù hiệu nhưng chạy sai hành trình, đón trả khách trái quy định...
Ông Trần Quang Tuấn - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hà Tĩnh mong muốn tiếp tục được sự hỗ trợ từ lực lượng công an tỉnh để dẹp bỏ xe dù bến cóc trên địa bàn tỉnh
Ngoài ra, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của một số đơn vị, chủ xe, lái xe chưa cao khi cố tình vi phạm, chống đối; lực lượng cán bộ quản lý, thanh tra, kiểm tra còn mỏng; một số quy định của pháp luật về quản lý xe hợp đồng, xe đưa đón học sinh còn bất cập…
Tại buổi làm việc, đại diện các cơ quan, doanh nghiệp, công ty hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn đã trực tiếp trao đổi, thảo luận, đưa ra ý kiến đề xuất. Qua đó thể hiện mong muốn được các lực lượng chức năng sớm giải quyết triệt để tình trạng xe dù, bến cóc, xe trá hình tuyến cố định đang hoạt động trên địa bàn để đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh, ảnh hưởng tới TTATGT, nguy cơ cao xảy ra TNGT...
Ông Đào Quốc Vũ (Nhà xe Mận Vũ) nêu ý kiến: Địa bàn thị xã Kỳ Anh chỉ có 14 xe hoạt động tuyến cố định, tuy nhiên, có nhiều xe ở các địa bàn khác đến hoạt động nhưng không vào bến, bắt chẹt, chèn ép các xe đăng ký tuyến cố định...
Dẫn chứng, ông Vũ nêu, khi xe chúng tôi đang ra khỏi cổng bến thì có xe khác chặn ngay cổng không cho ra, còn dùng lời lẽ đe dọa.
Lý giải về xe dù bến cóc còn “đất sống” ở Hà Tĩnh, ông Trần Văn Sỹ (Giám đốc xe buýt Hà Tĩnh) đặt câu hỏi, tại sao xe dù không nằm ở các địa phương khác mà lại ở Hà Tĩnh?
“Xe dù tuy không bùng phát mạnh như các tỉnh, thành khác nhưng bao năm nay tồn tại rồi, thậm chí có xe BKS Lào không đăng ký với các cơ quan những vẫn hoạt động công khai?!”, ông Sỹ nói.
Ghi nhận các ý kiến của doanh nghiệp KDVT tại buổi họp, Thượng tá Nguyễn Hồng Phong - Giám đốc Công an tỉnh yêu cầu đơn vị chức năng Công an tỉnh tích cực phối hợp với Sở GTVT và lực lượng các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đơn vị KDVT, đội ngũ lái xe; tăng cường kiểm tra, xử lý đối với các phương tiện, nhà xe vi phạm.
Người đứng đầu lực lượng công an tỉnh Hà Tĩnh cũng nhấn mạnh, nếu đơn vị, tổ chức doanh nghiệp KDVT tự ý thay đổi luồng tuyến, không vào bến do lợi nhuận không cao, thuê các đối tượng bất hảo hành xử theo kiểu xã hội đen chỉ đạo chèn ép khách, sử dụng người không đủ điều kiện lái xe thì lực lượng công an kiên quyết xử lý.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận