Cục Đường sắt VN cho biết, trên địa bàn tỉnh Hải Dương có ba tuyến đường sắt đi qua với tổng chiều dài 75,291 km. Trong đó, tuyến đường sắt Gia Lâm - Hải Phòng đi qua tỉnh Hải Dương có chiều dài 46,8 m, qua 4 huyện, thị xã, thành phố: Cẩm Giàng, Hải Dương, Thanh Hà, Kim Thành là những địa bàn đông dân cư, nguy cơ mất an toàn đường sắt cao.
Năm 2019, trên địa bàn tỉnh Hải Dương xảy ra 12 vụ TNGT đường sắt, so cùng kỳ 2018 tăng 2 vụ, tương đương tăng 20%; làm chết 8 người, tăng 4 người, tương đương tăng 100%; làm bị thương 10 người, tăng 1 người, ương đương tăng 11%.
Tuy nhiên, tình hình trật tự, ATGT đường sắt trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra TNGT đường sắt. Nguyên nhân do Hải Dương đang tồn tại 288 vị trí giao cắt đường bộ - đường sắt, trong đó 44 đường ngang hợp pháp, còn lại có đến 244 vị trí lối đi tự mở. Nếu phân loại theo tính chất vụ TNGT đường sắt, tuy không có điểm đen nào nhưng có 239 điểm tiềm ẩn và 10 đường ngang nguy hiểm.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Uông Đình Hùng, Phó trưởng phòng Vận tải - An toàn Cục Đường sắt VN cho biết, Hải Dương là một trong những địa bàn lâu nay phức tạp về tình hình ATGT đường sắt. Vì vậy, theo Quyết định số 358/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đảm bảo trật tự hành lang ATGT và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt, từ nay đến 2025, Hải Dương cần bố trí hơn 160 tỷ đồng, xây hơn 22km hàng rào, đường gom để xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở trên địa bàn.
“Cục Đường sắt VN đã đề nghị UBND tỉnh Hải Dương khẩn trương xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện đề án để hoàn thành đúng tiến độ. Trong khi chờ thực hiện đề án, tỉnh cần thực hiện các biện pháp kiềm chế không để phát sinh lối đi tự mở trên địa bàn, ưu tiên đầu tư kinh phí để xóa bỏ các lối đi tự mở nguy hiểm”, ông Hùng cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận