Căng mắt vì có nhiều điểm đấu nối
Theo phản ánh của người tham giao thông trên tuyến QL1, đoạn đường tránh thị xã Hồng Lĩnh, đang xuất hiện nhiều điểm đấu nối thẳng ra tuyến quốc lộ mà không có đường gom khiến các phương tiện khi qua đây thường phải “căng mắt” đề phòng tai nạn.
Xe trọng tải lớn từ các nhà máy lao ra QL1 không qua đường gom
Chiều 5/5, có mặt trên tuyến đường này, PV Báo Giao thông nhận thấy những phản ánh trên là có cơ sở.
Cụ thể, trong bất cứ thời điểm nào cũng dễ dàng thấy cảnh xe từ các đường nhánh của các công ty, xưởng sản xuất lao ra đường quốc lộ như chốn không người. Trong lúc đó, tuyến QL1 qua khu vực này không bị giới hạn về tốc độ, các phương tiện có thể chạy tốc độ tối đa lên đến 90km/h gây nguy cơ TNGT cao.
Ở đây, ngoài các điểm đấu nối tự mở, cũng có nhiều đơn vị lợi dụng đường đất dân sinh rồi mở rộng cho các xe tải vận chuyển hàng cỡ lớn chạy thẳng ra đường. Các điểm đấu nối dày đặc, đan xen, nhiều hình thái và không tuân theo bất cứ quy luật nào.
Trước các vị trí đấu nối không có biển báo để cảnh báo cho các phương tiện đang lưu thông trên QL1.
Đáng chú ý, trên tuyến đường này xuất hiện rất nhiều điểm đấu nối trực tiếp, có chiều dài cả trăm mét, có nhiều xe chở hàng hóa chạy ra vào nhưng không có biển báo giao nhau với đường nhánh để cảnh báo người đi đường. Ví dụ như: Km 481 +501 đường vào cụm CN Xuân Lĩnh, Km 482 lối vào trạm trộn bê tông Hồng Lĩnh, Km 483 + 440 lối vào xưởng sản xuất ngói màu Kachi...
Anh Nguyễn Thanh Hải (lái xe đường dài) từ cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình) ra Móng Cái (Quảng Ninh) cho biết, tôi thường xuyên đi lại trên tuyến đường này, khi đến địa phận đường tránh thị xã Hồng Lĩnh luôn phải căng mắt để quan sát các xe chở hàng từ các đơn vị doanh nghiệp, cụm công nghiệp đâm thẳng ra tuyến đường ưu tiên.
Điều khiển trên tuyến tránh, tài xế phải "đảo mắt" liên tục vì có quá nhiều phương tiện ra vào tại các điểm đấu nối
“Cánh tài xế chúng tôi mỗi khi lưu thông qua đây đều phải “đảo mắt” liên tục vì có rất nhiều điểm đấu nối nhưng lại không có biển cảnh báo từ trước”, anh Hải nói.
Anh Nguyễn Hữu Đạt - người thường xuyên tham gia giao thông trên tuyến đường nói: "Ngoài số xe trọng tải lớn, xe khách đường dài thì trên tuyến QL1 còn có nhiều xe ô tô cá nhân lưu thông với mật độ tương đối lớn. Việc các cụm công nghiệp, đơn vị kinh doanh tự ý mở đường đâm thẳng ra tuyến đường ưu tiên là rất nguy hiểm, tiềm ẩn TNGT".
Cũng trên tuyến đường này, ngoài các đơn vị, doanh nghiệp tự ý mở điểm đấu nối thì cũng có nhiều trường hợp là chủ các quán cơm, nhà hàng, xưởng sửa chữa ô tô... tự ý đấu nối với tuyến tránh.
“Mỗi khi xe khách vào ăn cơm hoặc vào sửa chữa rồi lùi ra đường là mỗi lần các phương tiện lưu thông trên đường phải giảm tốc độ để nhường đường. Nếu người điều khiển phương tiện không làm chủ tốc độ thì rất dễ xảy ra va chạm và TNGT”, một hộ dân sống trên tuyến đường cho hay.
Đấu nối trái phép làm tăng nguy cơ TNGT
Liên quan đến việc các đơn vị doanh nghiệp đấu nối tràn lan không theo quy định như nêu trên, ông Võ Trường Giang - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ II.3 thừa nhận: "Việc đấu nối tràn lan làm tăng nguy cơ TNGT. Tuy nhiên, theo thống kê thì trên tuyến tránh này chưa ghi nhận trường hợp TNGT nào giữa các phương tiện giao thông trên đường và các phương tiện ra vào tại các điểm đấu nối". (!?)
Tuyến tránh thị xã Hồng Lĩnh sẽ điều chỉnh, bổ sung 16 điểm đấu nối?
“Trước đây, chúng tôi có xử phạt công ty Thanh Thành Đạt số tiền 35 triệu đồng vì tự ý mở điểm đấu nối...”, ông Giang nói.
Cũng theo ông Giang, vừa qua UBND tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung danh mục các điểm đấu nối đường nhánh vào các quốc lộ trên địa bàn tỉnh. Trong số các điểm đấu nối thì trên tuyến tránh thị xã Hồng Lĩnh có 8 điểm ngã tư, 6 điểm ngã 3.
Trước thông tin về việc tại các điểm đấu nối, tuyến đường dân sinh thiếu biển báo giao nhau với đường không ưu tiên, ông Giang thừa nhận còn sót nhiều biển báo và cam kết sẽ cho thống kê bổ sung để cảnh báo.
Trung tá Lê Ngọc Sáng - Đội trưởng đội tuần tra cơ động dẫn đoàn Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Việc tuyến đường tránh này có nhiều điểm đấu nối thẳng ra quốc lộ mà không có đường gom làm tăng nguy cơ xảy ra các vụ TNGT. Tuy nhiên, do chưa có quy định cụ thể nên lực lượng CSGT trên tuyến rất khó xử lý.
Cần phải lưu ý rằng, để quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ từ năm 2010 Chính phủ đã ban hành riêng một nghị định. Sau đó, Bộ GTVT đã ban hành các Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT và Thông tư số 39/2021/TT-BGTVT để hướng dẫn chi tiết. Trong các thông tư này, có quy định rất rõ các trường hợp được và không được phép đấu nối vào quốc lộ. Đặc biệt, khi đấu nối phải được các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép (Bộ GTVT, Tổng cục ĐBVN) và đảm bảo ATGT trên tuyến. Tất cả các trường hợp tự ý đấu nối vào quốc lộ đều là vi phạm và phải áp dụng xử phạt hành chính.
Trong thông tư cũng nêu rõ trách nhiệm của các đơn vị quản lý đường bộ địa phương, các chi cục QLĐB, lực lượng thanh tra trong việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, một lãnh đạo Cục QLĐB II khẳng định: Sẽ chỉ đạo Chi cục đi kiểm tra. Nếu phát hiện điểm đấu nối chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép sẽ yêu cầu Chi cục phối hợp với Chi nhánh BOT tuyến tránh Vinh (đơn vị quản lý tuyến) đóng ngay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận