Trung tuần tháng 7/2020, có mặt tại điểm dừng xe buýt trước siêu thị Pico, số 346 đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội), PV Báo Giao thông bắt gặp một hành khách tên Hoa đang chờ tuyến buýt số 27 (BX Yên Nghĩa - Nam Thăng Long). Tuy nhiên, vị trí đứng chờ của hành khách này không phải dưới cột sắt niêm yết thông tin các tuyến buýt mà là trước số nhà 350, cách điểm dừng khoảng 7 - 8m.
Chia sẻ với PV, chị Hoa cho biết, sở dĩ không đứng chờ xe tại đúng điểm dừng, một phần do nắng nóng, nhưng phần lớn là điểm dừng xe buýt tại đây được dựng kế cận hai bốt điện. “Biển báo nào cũng ghi cụm từ nguy hiểm thì mình chủ động tránh để không phải “tai bay vạ gió”, chị Hoa nói.
Thời gian qua, hành khách đi xe buýt khu vực quận Hà Đông cũng nơm nớp nỗi lo mỗi khi phải đứng chờ xe tại điểm buýt số 98, đường Quang Trung. Theo quan sát, cột thông tin điểm dừng xe buýt tại đây được “trồng” cách bốt điện chưa đầy một gang tay. Đề phòng gặp bất trắc, hành khách tại điểm này thường phải đứng cách bốt điện chừng 6 - 7m để chờ xe buýt.
“Tôi không hiểu lý do gì bốt điện đã cảnh báo “cấm lại gần” mà người ta cho hình thành điểm chờ xe buýt tại đây. Trường hợp rủi ro, bốt điện cháy nổ, không biết ai chịu trách nhiệm về tính mạng của hành khách?”, một hành khách bức xúc chia sẻ với PV trong thời gian đợi xe.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) cho rằng, việc điểm dừng xe buýt, cột sắt niêm yết thông tin các tuyến buýt dựng gần bốt điện không chỉ khiến hành khách đi xe buýt đối mặt với nguy cơ mất an toàn mà còn thể hiện sự thiếu nhất quán, sự phối hợp lỏng lẻo giữa Sở GTVT Hà Nội và các cơ quan chức năng trong việc xây dựng hạ tầng đô thị.
“Thời gian tới, cơ quan chức năng Hà Nội cần phối hợp thực hiện tổng rà soát lại hạ tầng, những điểm xe buýt nào sát bốt điện, tủ điện phải được điều chỉnh ngay đến vị trí hợp lý để nỗi lo của hành khách được giải tỏa và hình ảnh vận tải hành khách công cộng trở nên thiện cảm hơn với người dân”, ông Thạch nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận