Ùn tắc “hạ nhiệt” sau xén dải phân cách, cải tạo hầm
7h20 ngày 29/9, có mặt tại đường Tôn Thát Thuyết (quận Cầu Giấy), PV Báo Giao thông ghi nhận những dòng xe lưu thông thuận tiện, thông thoáng trên mặt đường mới được xén dải phân cách.
“Kể từ khi diện tích mỗi chiều đường mở rộng thêm gần 4m, tình trạng ô tô lấp kín mặt đường, xe máy trèo lên vỉa hè vì ùn tắc đã không còn”, một tuần đường phụ trách tuyến này cho biết.
Các điểm bất cập, mất an toàn tại hầm chui Kim Liên được khắc phục sau đợt duy tu, sữa chữa mới đây
Những ngày gần đây, di chuyển qua khu vực hầm chui Kim Liên (quận Đống Đa, Hà Nội), nỗi lo va chạm, TNGT của người tham gia giao thông cũng được xoa dịu sau thời gian hầm chui cơ giới này được hoàn thành duy tu, sửa chữa.
Anh Hùng, nhân viên trông giữ xe trên đường Đào Duy Anh chia sẻ, trước khi được sửa chữa, hầm chui này có nhiều điểm mất an toàn như: Đèn trong hầm hư hỏng nhiều vị trí, chưa đảm bảo độ sáng, ảnh hưởng tầm nhìn của người đi đường; gò vạch phân làn dày, người đi xe máy rất dễ bị lạng bánh, trượt ngã.
“Mặt đường hầm cũng khá trơn và xuất hiện nhiều chỗ lồi lõm. Mỗi khi trời mưa, không ít người đi xe máy tay lái yếu cũng bị “đo đường” nếu phải xử lý sự cố bất ngờ hoặc phanh gấp”, anh Hùng cho biết.
Trước thời điểm sửa chữa, quá trình khảo sát của Sở GTVT Hà Nội cũng đánh giá, hầm chui Kim Liên xuất hiện tình trạng nước mặt thẩm thấu qua các khe co giãn và vết nứt thành đáy hầm bê tông cốt thép gia tăng theo thời gian làm hỏng kết cấu mặt đường bê tông nhựa, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT cho xe qua hầm.
Tuy vậy, sau gần 2 tháng duy tu sửa chữa, đến nay, những bất cập tại hầm chui Kim Liên đã được khắc phục. Toàn bộ lớp bê tông nhựa mặt đường hư hỏng được cào bóc, thảm mới, vạch phân làn ô tô, xe máy được kẻ rõ ràng, hệ thống chiếu sáng được thay bằng đèn Led đảm bảo đủ độ sáng khu vực hầm kín cho phương tiện lưu thông. Biển cảnh báo đường trơn, các phương tiện chú ý giảm tốc độ cũng đã được thiết lập tại hai đầu hầm chui.
Ùn tắc đường 70 đoạn cầu Tó - Xa La vào sáng 25.9.JPG
Vẫn còn nhiều điểm “nóng” ùn tắc
Khác với sự thông thoáng, an toàn của những khu vực kể trên, hiện người tham gia giao thông trên trục đường 70 đoạn Hà Đông - Văn Điển vẫn thường trực nỗi ám ảnh ùn tắc trong nhiều năm qua.
Ghi nhận của PV, đây là một trong những “cung đường đau khổ” nhất Thủ đô khi không chỉ phục vụ các phương tiện vận chuyển hàng hóa tải trọng lớn di chuyển theo hướng QL6 và ngược lại mà còn “cõng” thêm một lượng phương tiện “khổng lồ” từ các khu đô thị, tòa nhà cao tầng hai bên đường.
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội đang được giao sửa chữa đảm bảo ATGT tại các hầm chui trên đường gom Đại lộ Thăng Long thuộc địa bàn huyện Hoài Đức nhằm cải thiện điều kiện giao thông và môi trường sống của nhân dân trong khu vực.
Tổng mức đầu tư dự án khoảng hơn 7 tỷ đồng được lấy từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của ngân sách TP Hà Nội và dự kiến thực hiện ngay trong năm nay. Về quy mô, dự án sẽ sửa chữa mặt đường bê tông trong hầm và mặt đường các lối ra, vào cửa hầm; cải tạo hệ thống thoát nước trong hầm; Điều chỉnh, hoàn thành hệ thống sơn kẻ, biển báo tại các hầm chui.
Trực tiếp lưu thông trên tuyến đường này vào những ngày cuối tháng 9, PV liên tục chứng kiến cảnh tượng ùn tắc kéo dài. Thậm chí, ngày 25/9, dù là dịp cuối tuần nhưng hàng nghìn phương tiện hướng cầu Tó - Xa La vẫn nối đuôi nhau đứng như trời trồng” hàng tiếng đồng hồ vì ùn tắc trong buổi sáng.
Tương tự, tại hầm chui dân sinh số 3 (Km8+488) đường gom Đại lộ Thăng Long, gần lối rẽ vào công viên Thiên đường Bảo Sơn, đường Lê Trọng Tấn kéo dài vẫn là điểm nóng ùn tắc, giao thông lộn xộn từ mấy năm trở lại đây song chưa được khắc phục.
7h30 sáng 29/9, có mặt tại khu vực này, PV chứng kiến cảnh ùn ứ do xung đột phương tiện di chuyển từ các chiều đường với hầm chui. Việc tổ chức giao thông của Sở GTVT theo hướng cho phép xe máy đi ngược chiều không chỉ gây xung đột giao thông trong hầm chui dân sinh mà còn cản trở sự lưu thông của các phương tiện khác phía ngoài đường gom.
Đáng nói, để giảm ùn tắc tại 2 đầu hầm chui, cơ quan chức năng đã lắp đặt biển cảnh báo cấm ô tô, song, ô tô con, xe tải 2,5 tấn vẫn nườm nượp chạy qua.
Tìm hiểu của PV, hạ tầng hầm chui cũng chưa được sửa chữa, mặt đường xuống cấp, bong tróc, rác thải vứt bừa bãi, quảng cáo dán chi chút biến hầm chui thành nơi nhếch nhác.
Ông Việt, bảo vệ của Công ty Huyndai An Khánh, ngay đối diện hầm chui số 3 cho biết: “Dù có biển báo cấm nhưng ô tô vẫn lưu thông qua lại hầm chui thành “nếp” rồi. Chỉ khi nào có lực lượng CSGT phân luồng, xử lý vi phạm thì khu vực hầm chui giao thông mới đổn định. Khu vực này vào giờ cao điểm, nhất là từ 17- 19h ùn tắc, giao thông xung đột, phức tạp, nhiều vụ va chạm xảy ra.
Giao thông tại khu vực hầm chui dân sinh số 3 đường gom Đại lộ Thăng Long luôn lộn xộn, trở thành điểm "nóng" mất an toàn tại khu vực
Mới xử lý được 6/37 điểm ùn tắc
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Ngô Mạnh Tuấn, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, đến hết quý III/2021 mới xử lý được 6/37 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông.
Theo ông Tuấn, vừa qua, tranh thủ thời gian giãn cách xã hội, lưu lượng phương tiện giảm, Sở GTVT đã tham mưu, báo cáo UBND thành phố cho phép tiếp tục thi công một số công trình trọng điểm (cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, hầm chui Lê Văn Lương,…) và một số các dự án cải tạo, sửa chũa đảm bảo ATGT (hầm chui Kim Liên, mở rộng mặt đường Liễu Giai - Văn Cao, Tôn Thất Thuyết…).
“Đến nay, một số công trình như hầm Kim Liên, mở rộng mặt đường Liễu Giai - Văn Cao, Tôn Thất Thuyết đã hoàn thành để tăng diện tích đất dành cho giao thông, góp phần giảm ùn tắc giao thông và đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn”, ông Tuấn khẳng định.
Liên quan đến một số điểm nóng PV phản ánh như: Đương 70 đoạn Hà Đông - Văn Điển, khu vực hầm chui dân sinh trên Đại lộ Thăng Long… ông Tuấn cho rằng, Sở GTVT đã nắm được tình trạng trên và tại hai khu vực đó đều đang có kế hoạch cải tạo hạ tầng. “Chúng tôi sẽ nghiên cứu trước mắt tổ chức giao thông cho phù hợp, sau đó sẽ đẩy nhanh tiến độ dự án cải tạo ở các khu vực trên”, ông Tuấn cho biết.
Một cán bộ Đội CSGT số 7, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội thừa nhận, giao thông trên đường 70 Hà Đông hiện tương đối phức tạp, nhất là khi tuyến đường Nguyễn Xiển - Xa La đưa vào khai thác, đường 70 xuất hiện tình trạng một đoạn chỉ 300 - 400m nhưng có đến ba nút giao cắt.
“Để giảm xung đột trên đường 70, cầu vượt trực thông qua nút giao Xa La phải sớm được hoàn thành theo đúng thiết kế”, vị này nói và cho biết, trước mắt, để hạn chế ùn tắc trên đường 70 Hà Đông, trong thời gian chờ cầu vượt trực thông hoàn thành, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với Đội CSGT số 14 nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh tín hiệu đèn giao thông tại nút giao đường 70 - đường Nguyễn Xiển - Xa La để đảm bảo tốc độ giải phóng phương tiện các hướng đường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận