Đường mở rộng, điểm đen ùn tắc không thu hẹp
Cuối năm 2019, Hà Nội chi hơn 100 tỷ đồng để xén dải phân cách, giải tỏa ùn tắc giao thông trên các cung đường Vành đai 2 và Vành đai 3. Cụ thể, đường Khuất Duy Tiến từ nút giao Trần Duy Hưng đến nút giao Nguyễn Trãi được xén dải phân cách, mở rộng mỗi chiều từ 12 - 20m; Đường Nghiêm Xuân Yên - Nguyễn Xiển mở rộng mỗi bên 5m; Đường Láng (đoạn từ Cầu Giấy đến Ngã Tư Sở) xén vỉa hè, mở rộng mặt đường thêm 3,5m…
Thời gian qua, Hà Nội đã nỗ lực kéo giảm, cải thiện ùn tắc, tuy nhiên nâng cấp hạ tầng cần đi đôi với việc nâng cao ý thức. Mặt đường có mở rộng thêm 5 - 7 lần, nhưng tình trạng lưu thông vô lối còn xuất hiện thì xóa bỏ điểm đen ùn tắc sẽ mãi chỉ là mục tiêu.
Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT)
Tuy nhiên, 8h sáng 1/7, trực tiếp lưu thông trên đường Khuất Duy Tiến, hình ảnh PV chứng kiến dòng phương tiện kéo dài khoảng 1km (từ số 16 Khuất Duy Tiến đến nút giao Khuất Duy Tiến - Lê Văn Lương) nối đuôi nhau nhích từng mét. Khi đến khu vực tòa nhà Licogi 13 (164 Khuất Duy Tiến), tất cả phương tiện “chôn chân”, lấn toàn bộ phần đường rẽ phải của các xe đi về hướng Lê Văn Lương.
Tương tự trên đường Nguyễn Xiển, dù được xén dải phân cách, mở rộng đường nhưng không thoát tắc, đặc biệt là vào khung giờ cao điểm buổi sáng trên đoạn từ số 199 Nguyễn Xiển hướng về nút giao Nguyễn Trãi. Trực tiếp lưu thông qua khu vực này, chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Hữu Đức cho rằng, ùn tắc tại đây nảy sinh từ việc nhiều ngõ trên đường Nguyễn Xiển (ngõ 171, 129 - PV khảo sát) thẳng hướng với điểm mở. Bất kể khung giờ nào các phương tiện từ trong ngõ đâm ra điểm mở, dòng phương tiện đi thẳng đều bị nghẽn lại.
“Cùng đó là đường dẫn cho phương tiện đi từ Vành đai 3 trên cao quá gần với nút giao lớn. Khi dòng ô tô xuống dồn dập, lập tức đường đi của các xe dưới thấp bị thu hẹp. Việc nâng cấp đường mới chỉ tiến hành ở phần thân, chưa gỡ được nút thắt chính, ùn tắc tồn tại là điều dễ hiểu”, TS. Đức lý giải.
Sau cải tạo, tình trạng ùn tắc trên đường Láng được đánh giá đã “giảm nhiệt”. Tuy nhiên, trên đoạn đường từ cầu vượt Trần Duy Hưng đến cầu vượt Láng Hạ, các phương tiện vẫn khá chật vật trong giờ cao điểm. Có mặt tại khu vực này lúc 17h30 ngày 29/6, ghi nhận của PV là đoạn đường khoảng 1km gần như không còn chỗ trống, ô tô thi nhau bao phủ mặt đường, người đi xe máy cũng cố luồn lách.
Một chiến sĩ thuộc Đội CSGT số 3 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) cho hay, nguyên nhân của việc ùn ứ trên là do giờ cao điểm, lượng phương tiện từ hướng Cầu Giấy đổ về quá nhanh, trong khi thời lượng đèn đỏ lại khá dài với khoảng 110 giây hướng Láng - Ngã Tư Sở, 115 giây hướng Láng - Láng Hạ.
Tại đường 70 Hà Đông, đoạn từ cầu Tó đến nút giao Xa La, để giải tỏa nỗi lo ùn tắc, cơ quan chức năng đã thiết lập đèn tín hiệu trước cổng Bệnh viện K Tân Triều để hạn chế xung đột. Ngoài ra, đầu năm 2020, tuyến đường nối Xa La - Nguyễn Xiển chính thức đưa vào khai thác cũng được kỳ vọng sẽ san sẻ áp lực phương tiện với đường 70. Song, theo Thiếu tá Nguyễn Minh Đức, Đội phó Đội CSGT số 7, cải thiện về kết nối vẫn chưa xóa được ùn tắc bởi cung đường này tập hợp quá nhiều phương tiện từ xe container, xe tải hạng nặng, xe khách, xe buýt đến phương tiện cá nhân.
“Hiện, Đội vẫn phải bố trí 3 chiến sĩ chốt trực vào các khung giờ hàng ngày để điều tiết phương tiện. Thế nhưng, lúc nào lực lượng chức năng vắng mặt, ùn tắc lại diễn ra, kể cả trong giờ thấp điểm”, Thiếu tá Đức nói.
Trong khi đó, đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) dù đã được cải tạo, nâng cấp từ cuối năm 2019 với 4 - 6 làn xe, song hiện các khu vực từ đường Khương Đình đến cầu vượt Ngã Tư Sở; Nguyễn Tuân đến nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến vẫn là những “điểm nóng” ùn tắc của Thủ đô, giờ cao điểm có thể kéo dài hơn 30 phút.
Cải thiện nút giao, hình thành đường nhánh san sẻ áp lực
Trao đổi với Báo Giao thông, ThS. Vũ Anh Tuấn, Bộ môn Quy hoạch và Quản lý GTVT, Trường Đại học GTVT Hà Nội cho rằng, ùn tắc giao thông trên các tuyến đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Xiển... chủ yếu xuất phát ở các nút giao. Theo nghiên cứu, khi hai tuyến đường giao nhau, khả năng thông hành sẽ giảm chỉ còn 50-70%. Đường mở rộng nhưng năng lực thông qua tại nút giao không được nâng lên, nghiễm nhiên nút giao sẽ trở thành nút thắt. Vì vậy, cải thiện nút giao phải được thực hiện đầu tiên khi giải quyết bài toán tổ chức giao thông trên toàn tuyến.
Theo ThS. Tuấn, để giải quyết vấn đề này, những đô thị có lượng phương tiện “khổng lồ” như Hà Nội và TP HCM cần sớm đầu tư hệ thống giao thông thông minh để có được phương án điều hành giao thông tối ưu nhất.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường VN cho rằng, cơ quan chức năng phải nghiên cứu lại xem việc bố trí các nhánh lên/xuống của đường Vành đai 3 trên cao quá gần các nút giao thông chính yếu nhiều xe cộ trên đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Xiển, Phạm Hùng đã hợp lý chưa? Cần điều chỉnh khoảng cách, đưa phương tiện dần dần vào nút giao, giúp cự ly đủ để hệ thống điều tiết giao thông đáp ứng được. Nếu chỉ thấy ùn tắc lại mở rộng đường thì không bao giờ đạt mục tiêu.
“Ở tầm nhìn xa hơn, một quy hoạch tổng thể về mạng lưới giao thông cần phải được xây dựng lại với tốc độ phát triển nhanh chóng của phương tiện, trong đó, phải hình thành được hệ thống đường nhánh san sẻ áp lực phương tiện với các trục đường chính, tiến tới phân bổ dòng xe theo nhiều luồng khác nhau thay vì chỉ di chuyển và cùng nhau “chôn chân” trên một trục duy nhất”, TS. Long gợi ý.
Riêng đường 70 Hà Đông, một lãnh đạo Đội CSGT số 7 cho biết, để tiếp tục giảm tải lưu lượng phương tiện, Đội CSGT số 7 đang đề xuất Bệnh viện K Tân Triều mở hướng phương tiện lưu thông theo hai lối vào bằng cổng chính (mặt đường 70) và ra bằng cổng phụ (mặt đường Nguyễn Xiển - Xa La).
“Thời gian tới, UBND TP Hà Nội cũng cần chỉ đạo cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ thi công cầu vượt trên trục đường Nguyễn Xiển - Xa La để phân tách dòng phương tiện, tránh tình trạng đổ dồn cùng một lúc trên một cung đường như hiện nay”, đại diện này nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận