Hôm nay (4/4), Cục Đường sắt VN tổ chức kiếm điểm kết quả thực hiện công tác phối hợp đảm bảo an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn TP. Hà Nội.
Hiện trên địa bàn TP. Hà Nội có 5 tuyến đường sắt đi qua 17 quận, huyện với tổng chiều dài 162,11km. Các tuyến này chủ yếu đi qua các khu dân cư đông đúc nên số giao cắt đường bộ - đường sắt lớn, lên đến 543 giao cắt; Trong đó, đường ngang có gác 78 vị trí, đường ngang cảnh báo tự động 77 vị trí, đường ngang biển báo 27 vị trí. Đặc biệt, có tới 361 vị trí là lối đi tự mở, con số này giảm 24 vị trí so với tháng 3/2017.
Trong các giao cắt này, Công ty CP Đường sắt Hà Hải cảnh giới ATGT tại 5 vị trí, Sở GTVT Hà Nội tổ chức cảnh giới tại 17 vị trí, đây là các đường ngang, lối đi tự mở có nguy cơ xảy ra tai nạn tàu va rất cao.
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng, một số địa phương cấp phường, xã hiện vẫn chưa tích cực phối hợp với các đơn vị đường sắt trong xử lý, ngăn chặn vi phạm. Thậm chí có địa phương, UBND xã cũng vi phạm xây dựng công trình đường bộ xâm lấn hành lang đường sắt.
Ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội thừa nhận, UBND TP. Hà Nội đã có nhiều văn bản chỉ đạo các quận, huyện trong triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo ATGT đường sắt trên địa bàn thuộc trách nhiệm của địa phương. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn xã, phường cho rằng trách nhiệm chủ yếu trong quản lý lối đi tự mở, hành lang đường sắt là của đường sắt.
Ông Tuấn đề nghị lãnh đạo các địa phương phối hợp ngay với ngành đường sắt rà soát lại các vị trí vi phạm, tồn tại; xác định vị trí nào có thể xử lý được luôn thì xử lý dứt điểm. “Luật Đường sắt quy định trách nhiệm quản lý, bảo đảm hành lang ATGT đường sắt, thu hẹp, giảm xóa bỏ lối đi tự mở là của địa phương. Nếu không thực hiện triệt để, để xảy ra tai nạn, địa phương phải chịu trách nhiệm”, ông Tuấn nói.
Liên quan đến việc giảm, xóa bỏ lối đi tự mở, ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt VN đề nghị, Cục Đường sắt VN, Hà Nội và Tổng công ty Đường sắt VN cần nhanh chóng xây dựng, thống nhất kế hoạch, lộ trình thực hiện vì theo quy định tại Nghị định 65/2018, đến 2025 phải xóa bỏ hoàn toàn 361 lối đi tự mở trên địa bàn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận