Trao đổi với Báo Giao thông, ông Cao Văn Hiệp, Phó chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã có những đánh giá về hiệu quả của các chốt kiểm soát dịch trong 3 tháng qua và kế hoạch đảm bảo TTATGT khi Thủ đô bước sang trạng thái “bình thường mới”.
Ông Cao Văn Hiệp, Phó chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội
Huy động tổng lực, trực chốt phòng dịch 24/24h
Từ 12/7, khi Hà Nội bước vào đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư, Thanh tra Sở đã huy động lực lượng tham gia chống dịch thế nào?
Từ 14/5 - 20/9, Thanh tra Sở đã xây dựng và triển khai 5 kế hoạch, phương án phối hợp với lực lượng CSGT, Quân đội, Y tế và các lực lượng khác đảm bảo TTATGT, kiểm soát việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại 54 vị trí chốt trực gồm: 22 vị trí cửa ngõ lớn ra, vào Thủ đô, 32 vị trí phân vùng giãn cách xã hội trên địa bàn các quận, huyện, thị xã theo Chỉ thị số 20 của Chủ tịch UBND Thành phố.
Chúng tôi đã huy động tổng số 292 cán bộ, công chức, thanh tra viên, nhân viên trong một ngày trực, tiến hành quét mã QRCode, kiểm tra đối với các phương tiện được cấp Giấy nhận diện có dán mã QRCode.
Các trường hợp không đảm bảo điều kiện (Giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 hết hạn, không đi đúng hành trình đã đăng ký) theo quy định đều bị buộc quay lại nơi xuất phát.
Cụ thể lực lượng Thanh tra Sở thực hiện nhiệm vụ gì tại các chốt kiểm soát cửa ngõ, thưa ông?
Tại các chốt kiểm soát, chúng tôi phối hợp với Công an thành phố, công an quận, huyện, thị xã, chính quyền địa phương phân luồng giao thông, kiểm tra, xử lý các đơn vị vận tải, lái xe không chấp hành sự điều tiết, phân luồng của Sở GTVT Hà Nội và không tuân thủ theo lộ trình đã khai báo tại các vị trí chốt trực.
Tại các chốt trực có mật độ phương tiện giao thông đông, chúng tôi phối hợp với lực lượng CSGT kiểm tra, hướng dẫn đối với các phương tiện không đủ các điều kiện đi vào thành phố, hạn chế việc ùn tắc giao thông.
Cùng đó, chúng tôi cũng tập trung kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa được cấp giấy nhận diện có dán mã QRCode theo quy định.
Ngoài ra, thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của CSGT (chốt trưởng tại các chốt kiểm soát) theo đúng thẩm quyền quy định.
Theo ông, các chốt kiểm soát được lập ra khi dịch bệnh diễn biến phức tạp đã góp phần mang lại những hiệu quả gì trong việc kiểm soát dịch, đảm bảo ATGT?
Từ thời điểm thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17 đến ngày 30/9/2021, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã kiểm tra, cho phép 2,4 triệu lượt phương tiện có thẻ nhận diện xe ưu tiên trên “luồng xanh” lưu thông qua các chốt, phát hiện 9 trường hợp vi phạm, thu hồi 31 thẻ nhận diện đã hết thời hạn; yêu cầu hơn 61 nghìn phương tiện không đủ điều kiện quay lại nơi xuất phát.
Theo tôi, việc lập các chốt kiểm soát rất quan trọng, giúp đảm bảo tốt TTATGT, kiểm soát việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch; Đảm bảo hạn chế tối đa việc lây lan dịch bệnh từ các vùng dịch vào Hà Nội.
Tại các chốt cũng đã tạo thuận lợi tối đa cho việc lưu thông hàng hóa, phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân.
Xử lý các vi phạm “nóng” về TTATGT
Thanh tra Sở GTVT Hà Nội phân luồng, kiểm soát phương tiện trong cao điểm dịch Covid-19
Hà Nội đã dỡ bỏ 22 chốt kiểm soát cửa ngõ, Thanh tra Sở sẽ chỉ đạo các Đội Thanh tra kiểm soát, xử lý các vi phạm TTATGT thế nào trong trạng thái “bình thường mới”?
Trước đây, chúng tôi xác định nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ cấp bách, ưu tiên hàng đầu, phải tập trung cao độ, chủ động trong mọi tình huống.
Hiện nay, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 bước đầu được kiểm soát nhưng chúng tôi vẫn chủ động bố trí lực lượng phối hợp với chính quyền các địa phương, các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm TTATGT gắn với công tác phòng chống dịch.
Đồng thời kiểm soát, xử lý các vi phạm trật tự đô thị, vệ sinh môi trường. Trong đó, tập trung xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa.
Việc gắn trách nhiệm cho Đội trưởng Thanh tra các quận đã được lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội yêu cầu rất cụ thể. Vậy khi địa bàn được giao còn xảy ra nhiều vi phạm, chẳng hạn như để tồn tại bến cóc, xe dù thì việc xử lý trách nhiệm cán bộ, đơn vị phụ trách thế nào?
Chúng tôi đã chỉ đạo, giao nhiệm vụ rất rõ cho từng Đội TTGT địa bàn và cũng đã giao trách nhiệm rất cụ thể. Quan điểm của lãnh đạo Thanh tra GTVT là ai làm sai sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận