Ngày 11/5, học sinh tiểu học và mầm non ở Hà Nội bắt đầu đi học trở lại sau thời gian dài tạm nghỉ do dịch Covid-19. Ghi nhận của PV Báo Giao thông, tại nhiều cổng trường, giao thông rất lộn xộn và trở thành điểm “nóng” ùn tắc nghiêm trọng.
Cổng trường ùn tắc nghiêm trọng khi học sinh đi học trở lại
7h20 sáng 12/5, lưu thông trên đường 19/5 (quận Hà Đông) dưới cơn mưa lớn, PV chứng kiến cảnh ùn tắc nghiêm trọng tại khu vực cổng trường Tiểu học Nguyễn Du. Nguyên nhân xuất phát từ việc một số lượng lớn phụ huynh đưa con đi học bằng ô tô dừng đỗ tùy tiện để cho con xuống xe hoặc khi chuyển hướng, cắt ngang tiến vào trường, dòng phương tiện trên đường bị cắt ngang, buộc phải nối đuôi nhau “chôn chân” theo hướng Xa La đi lên và ngược lại.
Trong vài phút, PV đếm được hàng chục chiếc ô tô BKS: 29A-641.29, 29A-170.73, 30E-954.82, 30Z.0524… ngang nhiên đậu đỗ dưới lòng đường. Ùn tắc kéo dài hàng trăm mét khiến nhiều phụ huynh phải xuống xe, đội mưa dẫn con đi bộ từ khu vực vòng xuyến đường Nguyễn Khuyến - đường 19/5 để kịp giờ học.
Việc ùn tắc tại khu vực cổng trường có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có tình trạng phụ huynh đưa đón con bằng xe cá nhân, dừng đỗ tùy tiện, trong khi hạ tầng giao thông tĩnh ở những khu vực này chưa đáp ứng được. Chúng tôi đang đề xuất phát triển xe buýt học đường để phục vụ đưa đón học sinh thay vì phụ huynh ồ ạt đưa con tới trường gây ùn tắc.
Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội
Cùng trên đường 19/5, giao thông khu vực ngã ba Trường Tiểu học và THCS Ban Mai cũng “ngộp thở”, hỗn độn ngay từ đầu giờ sáng (7h) bởi lượng xe từ đường Chiến Thắng lưu thông về hướng Hà Đông liên tục bị cản trở bởi xe cá nhân của các bậc phụ huynh.
Có mặt tại Trường THCS Khương Thượng, đường Tôn Thất Tùng (quận Đống Đa, Hà Nội) chiều 11/5, quan sát của PV, tình trạng ùn tắc cũng diễn ra nghiêm trọng. Tìm hiểu của PV, để nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19, trường yêu cầu các phụ huynh không di chuyển xe vào khu vực sân trường. Do đó, khu vực cổng trường thường xuyên tắc nghẽn vào mỗi giờ đưa/đón học sinh bởi hàng dài xe máy của phụ huynh xung đột với dòng xe di chuyển về hướng đường Chùa Bộc, Trường Chinh. Chưa kể, đến giờ tan học, hàng trăm học sinh từ trong trường ào ra, phụ huynh tràn xuống lòng đường chờ con, băng cắt qua đường đón con khiến giao thông càng thêm hỗn loạn.
Chị N.T, một phụ huynh có hai con học ở trường Tiểu học và THCS Khương Thượng cho biết, từ khi học sinh trở lại trường sau dịch, các trường đã có những phương án tiếp nhận cụ thể để đảm bảo phòng tránh dịch như cho học sinh tan học theo thứ tự khung giờ (các khối lớp sẽ ra về theo khoảng thời gian từ 15 - 20 phút), tổ chức đón học sinh ở cổng chính, phụ huynh đón con ở cổng phụ... “Mặc dù vậy, do đường Tôn Thất Tùng ngắn, lại có tới 3 trường (1 tiểu học, 1 THCS, 1 đại học, cùng 3 nút giao có đèn tín hiệu giao thông nên đến giờ cao điểm học sinh tới trường thường xuyên ùn tắc”, chị N.T chia sẻ.
Quan sát của PV, thời điểm hiện tại, hầu hết học sinh đều đảm bảo quy định đeo khẩu trang khi đến trường. Tuy nhiên, khi tan học, tình trạng học sinh tụ tập thành nhóm vẫn diễn ra trước cổng trường, việc bảo đảm giữ khoảng cách an toàn trở nên khó khăn hơn.
Ngoài các điểm trường trên, PV cũng ghi nhận tình trạng ùn tắc tại nhiều trường học khác trên địa bàn Hà Nội như: Trường THCS Đống Đa (đường Lương Định Của); Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (đường Hoàng Minh Giám), Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (đường Trần Hưng Đạo, Hà Đông)...
Yêu cầu cho phép phụ huynh vào sân trường đón con
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Tạ Đức Giang, Phó chánh văn phòng Ban ATGT Hà Nội cho hay, từ 11/5 khi học sinh tiểu học và mầm non đi học trở lại, tình trạng ùn tắc ở khu vực cổng trường phức tạp hơn. Trong đầu giờ sáng 11/5, khi việc ùn tắc tại cổng trường liên tục được phản ánh, Ban ATGT đã yêu cầu Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp đảm bảo TTATGT, đặc biệt thực hiện các giải pháp chống ùn tắc.
“Nếu cổng trường xảy ra ùn tắc, phải thay đổi phương án cho phụ huynh học sinh vào sân trường để giải tỏa. Cùng đó, phải sắp xếp giờ đưa đón cho phụ huynh giữa các lớp, các khối không thể đưa đón cùng thời điểm”, ông Giang nói và cho rằng, việc đảm bảo ATGT tại khu vực cổng trường học cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, đặc biệt là chính quyền địa phương. Nhà trường cũng cần cử giáo viên, tổng phụ trách, bảo vệ ra phối hợp, phân luồng.
Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, từ ngày 6/5 đã có văn bản yêu cầu các trường tăng cường đảm bảo ATGT trường học. Cùng đó, Sở yêu cầu các trường phối hợp với công an, các đơn vị địa phương triển khai các biện pháp đảm bảo ATGT trước cổng trường và trong khuôn viên nhà trường.
Ông Tiến cũng cho biết thêm, để khắc phục tình trạng ùn tắc tại cổng trường, Sở đề nghị chính quyền và công an địa bàn cùng nhà trường thực hiện nhiều giải pháp như: Bố trí lực lượng chốt trực tại chỗ kết hợp phân luồng từ xa; bố trí lệch giờ học; yêu cầu phụ huynh, học sinh ký cam kết, tuân thủ các quy định về dừng, đỗ xe…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận