Gửi thông báo vi phạm giao thông về nơi công tác đối với đảng viên, công chức được cho là có tác dụng răn đe, ngăn ngừa vi phạm.
Tuy nhiên, việc này đang gặp khó khăn do chưa có quy định cụ thể.
Người điều khiển xe máy mặc áo bưu điện Việt Nam vi phạm nồng độ cồn, nhưng chỉ nhận làm nghề tự do, áo là được tặng
Khi người vi phạm nhận là lao động tự do
Ngày 6/7, ghi nhận của PV Báo Giao thông tại ngã tư Lò Đúc - Nguyễn Công Trứ thuộc địa bàn quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), chỉ trong 1 ca làm việc trưa, Tổ công tác thuộc Đội CSGT số 4, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội đã phát hiện 6 trường hợp người điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn.
Cụ thể, khi Tổ công tác dừng xe máy BKS 29C1-961.xx, người điều khiển ăn mặc lịch sự, nhanh chóng được làm rõ là ông Trần Văn T. (SN 1973, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Kết quả đo nồng độ cồn, tài xế T. vi phạm mức 0,562 miligam/1 lít khí thở.
Ban đầu, ông T. xưng công tác tại một cơ quan Nhà nước để xin bỏ qua vi phạm. Xin xỏ bất thành, ông T. ra phía ngoài gọi điện thoại “cứu viện” cũng không được, đành quay lại ký biên bản.
Nhưng khi cảnh sát hỏi lại nơi công tác để ghi vào biên bản, thì ông T. nói ngay “chỉ làm nghề tự do”, chỉ mạo nhận là cán bộ Nhà nước để “thử xem có xin được bỏ qua vi phạm hay không”.
Trước đó, ghi nhận của PV tại ngã tư Nguyễn Hoàng - Lê Đức Thọ thuộc địa bàn quận Nam Từ Liêm, Tổ công tác Đội CSGT số 6 đã dừng xe, xử lý gần chục người điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn.
Tại chốt kiểm tra, nam tài xế xe máy BKS 29G1-876.xx mặc áo phông in logo của một cơ quan Nhà nước, được xác định là anh Đỗ Duy Q. (SN 1990, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Kết quả kiểm tra nồng độ cồn cho thấy, anh Q. vi phạm mức 0,472 miligam/1 lít khí thở. Tuy nhiên, khi Tổ công tác hỏi đơn vị công tác của anh Q. có phải như chữ in trên áo, anh Q. cho hay làm nghề tự do, còn chiếc áo “do người bạn tặng”.
Theo Đại úy Nguyễn Mạnh Tuấn, Đội CSGT số 6, quá trình xử lý vi phạm giao thông, khi dừng xe rất nhiều người xưng công tác ở cơ quan Nhà nước này, đơn vị quản lý kia để mong bỏ qua vi phạm.
Nhưng khi CSGT cương quyết lập biên bản, thì người vi phạm lại nhanh chóng nói làm nghề tự do. Trong khi đó, lực lượng CSGT lại không đủ thẩm quyền yêu cầu người vi phạm phải khai báo chính xác nơi công tác.
Theo quy định, khi dừng xe người vi phạm giao thông, CSGT được kiểm tra giấy phép lái xe; giấy đăng ký xe; giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường...
Các giấy tờ này hầu hết đều ghi địa chỉ nơi cư trú, không ghi nơi công tác. Do đó, để xác định việc người vi phạm là đảng viên, cán bộ công chức là rất khó khăn.
Xác nhận thực trạng này, Trung tá Vũ Kiên Cường, Đội CSGT số 10 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho hay, thường thì người vi phạm khi đã bị lập biên bản sẽ khai là làm nghề tự do, trừ trường hợp là người của lực lượng vũ trang.
Còn nếu không, CSGT chỉ lập biên bản ghi số chứng minh thư, căn cước công dân, GPLX và theo địa chỉ nơi cư trú.
“Do đó, dù có quy định gửi thông báo vi phạm giao thông về nơi công tác, nhưng rất ít trường hợp gửi được”, Trung tá Cường cho hay.
Cần quy chế phối hợp để tra cứu thông tin
Theo luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), Quy định số 37 ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về những điều đảng viên không được làm nghiêm cấm đảng viên làm những việc mà pháp luật không cho phép.
Trong đợt cao điểm ra quân xử lý vi phạm trật tự ATGT cuối tháng 6 vừa qua, Cục CSGT cho biết, đối với các trường hợp vi phạm là đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang... sẽ gửi thông báo về cơ quan quản lý để có biện pháp xử lý theo quy định.
Điều này phù hợp với các quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính, có tác dụng rất lớn trong việc ngăn ngừa vi phạm, nhất là đối với cán bộ, công chức, đảng viên. Người vi phạm giao thông vừa bị xử phạt hành chính, vừa có thể bị xử lý nội bộ theo quy định nội bộ của từng cơ quan.
Luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật)
“Khi cán bộ, công chức vi phạm pháp luật giao thông tức là không chấp hành pháp luật, ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật giao thông đường bộ, còn phải bị xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng, Nhà nước.
Việc làm này là một giải pháp hữu hiệu để giảm tình trạng cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên vi phạm giao thông”, ông Cường nhìn nhận.
Tuy nhiên, do không có quy định bắt buộc người vi phạm giao thông phải khai báo nơi công tác để ghi vào biên bản vi phạm nên CSGT khó có thể tìm được nơi công tác để gửi thông báo.
Vì thế, theo luật sư Cường, cần có quy chế phối hợp giữa lực lượng chức năng và các cơ quan quản lý Nhà nước để tra cứu, xác định được thông tin nơi công tác của người vi phạm.
Nếu chưa có quy định phối hợp như vậy, thì phải đưa vào các thông tư, nghị định để ban hành, áp dụng.
Đồng tình với quan điểm này, Trung tá Vũ Kiên Cường đề xuất, muốn phát huy hiệu quả việc gửi thông báo vi phạm giao thông về cơ quan công tác, hiện CSGT có thể liên hệ với công an địa phương để trích xuất thông tin người vi phạm. Tuy nhiên, việc này rất mất thời gian và công sức.
“Trước mắt, cần có cơ chế để CSGT có thể tự truy xuất từ CCCD tích hợp, hoặc từ dữ liệu công dân để từ đó có thông tin nghề nghiệp, nơi công tác của người vi phạm”, Trung tá Cường đề xuất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận