Giật mình với còi hơi xe khách. (Ảnh minh họa) |
Biết không thể vội, tôi giảm ga, đi chậm lại để không phải chen vào giữa đám đông ken đặc và mùi khói xăng nồng nặc. Vừa dừng xe, đang nghĩ mông lung, tôi bỗng giật thót mình, dựng tóc gáy vì tiếng còi phía sau.
Tiếng còi hơi của chiếc xe khách giường nằm cồng kềnh phía sau lưng khiến tất cả những người đi đường như muốn bắn ra khỏi chiếc xe của mình. Người co rúm lại, người ngơ ngác nhìn xung quanh. Khi biết thủ phạm “khủng bố” ấy phát ra từ chiếc xe khách giường nằm sau lưng, nhiều người cũng chỉ biết lầm bầm, ném con mắt khó chịu. “Đường đang đông nghìn nghịt, tất cả phương tiện đều không thể nhúc nhích, lái xe bấm còi inh ỏi như vậy để làm gì?”, một bác trung niên bực dọc nói.
Thực tế, đây không phải là trường hợp hiếm gặp khi lưu thông trên đường, nhất là những đoạn đường gần bến xe, có mật độ xe khách dày đặc. Thông thường, những chiếc còi hơi lắp trên xe khách có công suất âm thanh rất lớn. Vì thế, khi đi vào những tuyến phố đông người mà bấm còi, chẳng khác nào kề vào tai để “thông lỗ nhĩ” người đi đường. Đã có không ít trường hợp khi tham gia giao thông, bị tiếng còi xe quá lớn làm loạng choạng, vội vàng đánh lái sang vệ đường… gây TNGT.
Còi xe vốn là công cụ hỗ trợ cho người điều khiển phương tiện, cảnh báo người khác khi lưu thông trên đường. Tuy nhiên, nếu tiếng còi ấy không được sử dụng đúng lúc, đúng chỗ và có trách nhiệm, quả thật đáng trách. Đôi khi tiếng còi ấy được phát ra do tâm tính nóng nảy, muốn chứng tỏ hay thị uy người khác của những lái xe mà không nghĩ đến cảm giác của người xung quanh. Tiếng còi ấy là một điều đáng buồn trong văn hoá giao thông và cần xã hội, người dân lên án, phê phán.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận