Trong những năm qua, các cấp, các ngành trong tỉnh Bạc Liêu luôn quan tâm chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, với nhiều chính sách hỗ trợ.
Điển hình là xây dựng lộ giao thông nông thôn, hỗ trợ xây nhà ở, hỗ trợ vốn sản xuất kinh doanh; đào tạo nghề, giới thiệu việc làm... Qua đó, giúp cho đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer từng bước được cải thiện, diện mạo phum, sóc ngày càng khởi sắc.
Hạ tầng giao thông phát triển, đời sống đồng bào nâng lên rõ rệt
Bà Thạch Thị Lan (ngụ xã Phong Tân, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) phấn khởi nói: "Nhìn những tuyến đường giao thông nông thôn được xây dựng chỉnh trang, người dân đi lại thuận lợi, giao thương buôn bán dễ dàng, mình rất vui mừng.
Bà con trong các phum sóc bây giờ làm khấm khá và phát triển hơn lúc trước, nhà nào cũng có thu nhập ổn định. Nhà nào cũng có cuộc sống tốt hơn trước nhiều. Con cháu được học hành tử tế, có việc làm ổn định".
Anh Danh Thol (ngụ ấp Cỏ Thum, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân) chia sẻ: "Trước đây, đường sá đi lại khó khăn, đời sống kinh tế của gia đình bấp bênh, vợ chồng tôi phải đi làm thuê, xa nhà thường xuyên.
Nhưng nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, địa phương trong việc xây dựng các tuyến đường bê tông liên xã, liên ấp, hỗ trợ người dân trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, đổi mới tư duy phát triển kinh tế. Vì vậy, những cánh đồng lúa hoang hóa của gia đình trước đây được chuyển đổi thành cánh đồng tôm - lúa cho giá trị kinh tế cao, bền vững".
Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, tỉnh này có đa dạng các dân tộc thiểu số, với trên 20 dân tộc anh em cùng sinh sống (chiếm 9,2% dân số toàn tỉnh). Trong đó, đồng bào dân tộc Khmer chiếm số lượng đông nhất với trên 17.000 hộ (chiếm 7,6% dân số toàn tỉnh).
Nguồn vốn được phân bổ đối với Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu là 67,2 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương 58,4 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh đối ứng 8,8 tỷ đồng.
Cùng với việc đẩy mạnh đầu tư, xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu, nhất là hạ tầng giao thông nông thôn ở các địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống, tỉnh Bạc Liêu còn thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho bà con làm ăn sinh sống.
Cụ thể, tỉnh hỗ trợ người dân sản xuất bằng cách tạo điều kiện cho bà con tiếp cận các khoản vốn vay ưu đãi, tiếp cận khoa học kỹ thuật, phát triển mô hình kinh tế nông hộ bền vững... giúp người dân có điều kiện, để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và từng bước ổn định cuộc sống.
Quan tâm chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số
Theo Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu, để nâng cao đời sống cho đồng bào Khmer, tỉnh tập trung lồng ghép nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng Nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nhiều chương trình, đề án khác.
Các nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương cùng sự nỗ lực của các cấp chính quyền và người dân đã góp phần làm thay đổi diện mạo các phum, sóc có đông đồng bào Khmer sinh sống.
Hiện tại, các khu vực có đông đồng bào dân tộc Khmer đều có đường giao thông nông thôn liên xã, liên ấp, trạm y tế và có trường học kiên cố…
Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số được giảm đáng kể, hiện chỉ còn 1.624 hộ dân tộc thiểu số nghèo chiếm 7,46% so với tổng số hộ.
Theo ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, trong những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng cơ bản ổn định và phát triển.
Việc thực hiện chính sách dân tộc, phong trào thi đua gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số đã phát huy hiệu quả.
"Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên rõ rệt.
Diện mạo phum sóc, nhất là các phum, sóc vùng sâu, vùng xa ngày càng khởi sắc, đời sống, kinh tế người dân ngày càng phát triển, tạo nên sức sống mới", ông Thiều nhấn mạnh.
Cũng theo ông Thiều, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách toàn diện, phù hợp với yêu cầu ổn định và phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và vùng đồng bào Khmer Nam bộ nói riêng.
Nội dung các chính sách ngày càng đa dạng, sâu rộng, hiệu quả thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, chính sách hỗ trợ ngày càng được nâng lên.
Nhất là Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Trong đó, giai đoạn I (từ năm 2021 đến năm 2025), đã tạo ra động lực mới, kịp thời đáp ứng yêu cầu đẩy sự phát triển vùng đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ nói chung và đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Bạc Liêu nói riêng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận