Từ nay đến cuối năm, đoạn Hà Nội - Bắc Ninh sẽ hoàn thành đường gom để tách làn xe máy và xe thô sơ ra khỏi đường cao tốc |
Điều chỉnh tốc độ để bảo đảm ATGT
Theo báo cáo của nhà đầu tư là Công ty Cổ phần BOT Hà Nội - Bắc Giang, hiện nay tuyến đường vẫn đang được khai thác theo phương án tổ chức giao thông tạm. Đoạn trên địa bàn Bắc Giang, các phương tiện cơ giới lưu thông trên đường chính tuyến với tốc độ khai thác 100km/h, xe máy lưu thông theo đường gom dọc tuyến. Đối với đoạn Bắc Ninh - Hà Nội, do chưa có đường gom nên các phương tiện xe gắn máy được lưu thông chung với xe cơ giới. Để bảo đảm an toàn, đoạn tuyến này được khai thác hai làn cao tốc với tốc độ khác nhau là 100km/h (làn sát dải phân cách giữa) và làn kế tiếp với tốc độ 80km/h.
"Nhà đầu tư khẩn trương hoàn thiện mở rộng cửa các trạm thu phí và phải làm ngay các cửa tự động theo chỉ đạo của Bộ GTVT. Nếu từ nay đến cuối năm không đảm bảo có ít nhất hai cửa tự động mỗi bên, Bộ GTVT sẽ yêu cầu dừng thu phí”. Thứ trưởng Bộ GTVT |
Tuy nhiên. theo ông Trần Quốc Toản, Phó vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng (Bộ GTVT), do chưa có đường gom để tách xe máy đi riêng, đoạn tuyến Hà Nội - Bắc Ninh được xác định là không hoàn chỉnh, chưa đảm bảo tiêu chuẩn cao tốc nên việc khai thác tốc độ như hiện nay chưa hợp lý, lộn xộn. Tình trạng này cùng với việc không có đường lên cầu Như Nguyệt và cầu Xương Giang khi đi từ Hà Nội lên Bắc Giang khiến phương tiện không biết đi đường nào, gây bức xúc cho người dân. Vì vậy, ông Toản đề xuất khi chưa có đường gom để tách xe máy, có thể đưa tốc độ thống nhất toàn đoạn này về 90km/h.
“Về lâu dài khi có đường gom đoạn Hà Nội - Bắc Ninh mới đảm bảo tiêu chuẩn đường cao tốc và khai thác tốc độ cao tốc”, ông Toản nói.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, việc khai thác với tốc độ 100km/h (làn phía trong giáp dải phân cách) là chưa hợp lý vì đoạn tuyến này chưa phải đường cao tốc. “Cần điều chỉnh tốc độ đoạn Hà Nội - Bắc Ninh về đúng với cấp đường là từ 70 - 90km/h đối với hai làn”, Thứ trưởng Trường yêu cầu.
Làm xong đường gom trước Tết Âm lịch
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Trường cũng cho rằng, để giải quyết những bất cập hiện nay trên đoạn Hà Nội - Bắc Giang nhất thiết phải xây dựng đường gom dân sinh để tách riêng xe máy và thô sơ.
Đại diện Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) cho biết, việc tách đường gom là rất cần thiết, phù hợp với quy hoạch của tỉnh Bắc Ninh. Nếu làm đường gom sẽ tận dụng được tối đa các đường gom hiện có qua các khu công nghiệp (KCN) và đường dân sinh. Vì vậy đại diện TEDI đề xuất phương án làm đường gom song song với đường cao tốc và tận dụng đường của các KCN và đoạn đường liên xã hiện có. Ngoài ra, xây dựng mới các đoạn chưa có đường để kết nối thông toàn tuyến song song với cao tốc. Như vậy, toàn bộ đoạn đường gom qua Bắc Ninh sẽ có chiều dài khoảng 20km nhưng do tận dụng đường hiện có nên sẽ chỉ phải làm mới 15km và có mức đầu tư khoảng 181 tỷ đồng.
>>>Xem thêm video:
Về phương án tài chính để xây dựng đường gom, ông Lê Minh Nam, Phó tổng giám đốc Ban QLDA 2 cho biết, dự án còn dư 260 tỷ đồng. “Đề nghị Bộ GTVT chấp thuận phương án sử dụng nguồn vốn này để làm đường gom và đường vuốt nối các đầu đường cao tốc từ Bắc Ninh - Bắc Giang để xe máy và xe thô sơ đi vào”, ông Nam đề xuất.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đồng tình với phương án TEDI đề xuất và yêu cầu từ nay đến trước Tết Âm lịch phải làm xong đường gom. “Thời gian rất ngắn, nhưng hoàn toàn có thể làm được vì đã có sẵn đường của các KCN và đường dân sinh, Thứ trưởng Trường nói và yêu cầu Ban QLDA 2, nhà đầu tư khẩn trương hoàn thành các thủ tục, làm việc với địa phương để thống nhất các phương án sử dụng đường gom kết hợp với các tuyến đường của KCN. Về quy mô, sẽ làm đường rộng 5m chỉ dành riêng cho xe máy và xe thô sơ. Kết cấu mặt đường kết hợp với làm bê tông xi măng đối với đoạn đường bị ngập. Đối với đoạn không bị ngập sẽ làm bê tông nhựa để giảm chi phí. Đường gom có đầy đủ hệ thống cọc tiêu, biển báo để hướng dẫn giao thông như đường cấp 6. Để kết nối, cần rà soát các hầm chui đảm bảo việc lưu thông bên phải, bên trái, thuận tiện nhất cho người dân.
Đây là vấn đề người dân rất bức xúc nên không được phép chậm. Vì vậy Thứ trưởng đồng ý đối với hai đầu cầu Như Nguyệt và Xương Giang vuốt nối trực tiếp từ các đường gom hai cầu để cho xe máy đi nhưng hạn chế tối đa xe máy đi vào cao tốc mà chỉ đi qua cầu, sau này sẽ tách ra làn riêng cho xe máy.
“Vấn đề cốt yếu hiện nay là phải ưu tiên sử dụng vốn dư để làm đường gom. Trước mắt, để đáp ứng được vận tải, bảo đảm ATGT, Tổng cục Đường bộ VN khẩn trương có hướng dẫn lại theo quy định tốc độ đoạn Hà Nội - Bắc Ninh ở mức 70 - 90km/h tránh nguy hiểm”, Thứ trưởng Trường nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận