Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), người đi mô tô, xe máy, xe máy điện chiếm 21% tổng số nạn nhân tử vong do TNGT toàn cầu và có xu hướng gia tăng ở một số khu vực, nhất là Đông Nam Á, Nam Á, châu Phi và Mỹ La Tinh, trong đó có Việt Nam.
Cũng vì vậy, tại Hội nghị Uỷ ban tư vấn cấp cao về ATGT Đường bộ (HLCC) diễn ra cuối năm 2023 tại Trụ sở Liên hợp quốc (Geneva, Thuỵ Sĩ) có đại diện Uỷ ban ATGT Quốc gia (Việt Nam) tham dự, các cơ quan, đơn vị tham gia đã đề nghị Việt Nam nghiên cứu, phối hợp với WHO tổ chức một Hội nghị chuyên đề về ATGT cho người đi mô tô, xe máy để chuẩn bị nội dung, đặc biệt là bài học kinh nghiệm, về cải thiện an toàn giao thông cho người đi xe máy .
Nhằm thực hiện mục tiêu giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan xe hai bánh (xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, xe đạp), Uỷ ban ATGT Quốc gia vừa phối hợp cùng tổ chức AIP Foundation và Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT) tổ chức lễ khởi động dự án "Giảm thiểu tai nạn xe hai bánh thông qua tăng cường chăm sóc thị lực".
Bà Trịnh Thu Hà, Phó Chánh Văn phòng, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia chia sẻ mong muốn kết quả nghiên cứu của dự án sẽ góp phần đưa ra những giải pháp mang tính sáng tạo và thiết thực nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng đảm bảo điều kiện và sức khỏe để tham gia giao thông an toàn cho các bạn trẻ, góp phần giảm rủi ro mất an toàn với các đối tượng sử dụng xe hai bánh tham gia giao thông.
Theo ban tổ chức, dự án Giảm thiểu tai nạn xe hai bánh thông qua tăng cường chăm sóc thị lực (STABLE) nghiên cứu mối quan hệ giữa thị lực và an toàn giao thông, thông qua các phương pháp nghiên cứu hiện đại được áp dụng với thanh thiếu niên - nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi tham gia giao thông.
Bà Mirjam Sidik, Giám đốc Điều hành Tổ chức AIP Foundation cũng nhấn mạnh thanh thiếu niên phải là người chủ động tham gia trong các sáng kiến về an toàn giao thông, phải có ý thức thay đổi hành vi tham gia giao thông an toàn để bảo vệ chính bản thân mình.
Dự án có sự tham gia của 5 trường đại học trên địa bàn TP. HCM bao gồm: Đại học Y dược TP.HCM, Trường đại học Nông Lâm TP.HCM, Trường đại học Sư phạm TP.HCM, Trường cao đẳng Kinh tế Đối ngoại và Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM.
Tại lễ khởi động, sinh viên các trường đại học đã có cơ hội tham gia sàng lọc mắt bằng Ứng dụng WHOeyes. Đây là một ứng dụng miễn phí, giúp kiểm tra thị lực gần, thị lực xa và cung cấp các thông tin hữu ích giúp mỗi người có thể tự bảo vệ đôi mắt của mình.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận