Xe khách bỏ bến, chạy "dù" tại Đà Nẵng. |
Thực trạng bát nháo
Mới đây, tại hội thảo "Tăng cường quản lý, lập lại trật tự vận tải hành khách bằng xe ô tô, kiểm soát chặt chẽ nạn "xe dù, bến cóc" do Hiệp hội Vận tải ô tô VN tổ chức Đà Nẵng (ngày 11/8), ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội này nhận định: gần đây tình trạng “xe dù, bến cóc” đã tái phát, nhất là ở các thành phố lớn với nhiều hình thức.
Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng – Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Vận tải ô tô và Quản lý Bến xe khu vực phía Bắc, không chỉ là vấn nạn, "xe dù, bến cóc" trở thành “quốc nạn”, nguy cơ phá vỡ trật tự vận tải và kéo theo các hệ lụy xã hội... Loại xe này không còn hoạt động chui lủi mà công khai dưới nhiều hình thức quảng bá trên mạng xã hội, phát tờ rơi, trong khi chúng ta vẫn chưa thể định hình tên gọi, cách quản lý.
Ông Tô Văn Sơn - Giám đốc HTX Vận tải Phước Long (Bình Phước) gay gắt hơn: Tại tỉnh giờ không còn "bến cóc" (quy mô nhỏ-NV) mà phải là "bến voi" với mức độ bành trướng, quy mô tổ chức, có phòng bán vé, tập trung ngay trung tâm thương mại. Thậm chí, nhiều xe tuyến cố định cạnh tranh không nổi phải bỏ bến chạy dù, khiến việc kiểm soát càng thêm phức tạp.
Ông Nguyễn Mạnh Hà – Giám đốc Công ty CP TM&DL Hà Lan cho biết, hiện có 2 loại doanh nghiệp vận tải. Mô hình thứ nhất là 1 giám đốc quản lý tập trung; giám đốc doanh nghiệp rất vất vả trong công tác quản lý điều hành nhưng kiểm soát được lái xe, dịch vụ của mình. Thứ 2 là mô hình 1 giám đốc có nhiều chủ xe; giám đốc không kiểm soát được các xe, lái xe… dẫn đến mạnh ai nấy làm, lái xe ra đường sẽ làm tất cả vì đồng tiền bát gạo, từ đó sinh ra “xe dù, bến cóc”.
Ông Hà cũng thẳng thắn cho rằng, hiện đang có đến 60-70% chủ doanh nghiệp chưa có hình thức kinh doanh văn minh, còn lại chỉ có 30-40% doanh nghiệp có giám đốc tâm huyết với sự nghiệp kinh doanh vận tải, nói không với “xe dù”.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ chủ trì hội thảo về "xe dù, bến cóc" ngày 11/8 tại Đà Nẵng. |
Cách nào xử lý?
Theo ông Dũng, 4 giải pháp cần thiết để dẹp xe dù, bến cóc đó là "định danh" loại hình này, tăng cường TTKS xử lý vi phạm, nâng cao chất lượng quy hoạch tuyến và bản thân nhà xe tuyến cố định phải nhìn lại mình, cải thiện chất lượng phục vụ...
Cũng theo ông Dũng, mức phạt 4 triệu cho 1 xe chạy trá hình là quá thấp, chưa đủ sức răn đe. Ngoài việc đẩy mạnh TTKS, cần thiết tăng nặng mức phạt, thậm chí tạm giữ dài hạn các xe cố tình vi phạm. Dẫn ví dụ ở Bắc Giang cứ doanh nghiệp có 3 xe chạy “dù” thì cho 1 xe chuyên đóng phạt, 2 xe còn lại công nhiên hoạt động, ông Dũng khẳng định mức phạt hiện nay chưa thấm tháp gì với nguồn thu của “xe dù”.
Trao đổi với Báo Giao thông, TS. Nguyễn Xuân Thủy – nguyên Giám đốc, Tổng biên tập NXB GTVT cho hay, cần ngăn ngừa tình trạng quản lý các bến xe tùy tiện, lỏng lẻo, thiếu các biện pháp kinh tế kỹ thuật hợp lý, hiệu quả để thu hút các phương tiện vận tải và hành khách vào bến.
“Bộ GTVT cần có chế tài phạt thật nặng những xe đỗ lấy khách ngoài bến. Có sự phối hợp giữa công an, TTGT và Ban quản lý bến, kể cả ký hợp đồng trách nhiệm, nhằm giám sát thường xuyên, xử lý mạnh tình trạng “xe dù bến cóc”, TS. Thủy nói và kiến nghị, các bến xe cần tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các phương tiện chạy tuyến cố định vào bến đón khách; nghiên cứu đơn giản hóa thủ tục ra vào bến, tiết giảm phí bến, cải tiến, nâng cấp chất lượng quản lý và các dịch vụ, tiện nghi trong khu vực bến xe để thu hút xe và hành khách vào bến.
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo về “xe dù, bến cóc” ngày 11/8 tại Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định: Chưa kết nối đồng bộ mạng lưới vận tải công cộng thì chưa xóa được “xe dù, bến cóc”. Ở các nước phát triển, bến xe kết nối liên hoàn với xe buýt, tàu điện ngầm, đường sắt… đến tận nhà dân, đáp ứng đúng nhu cầu đi lại thuận tiện nhất của dân thì không còn ai đi “xe dù”, thậm chí giảm luôn xe cá nhân. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận