Số liệu thống kê từ lực lượng CSGT cũng cho thấy, tỷ lệ học sinh bị xử phạt đang có chiều hướng gia tăng.
Phổ biến vi phạm không đội MBH
Chiều 17/12, PV Báo Giao thông theo chân tổ TTKS Đội CSGT TP Vinh (Nghệ An) tuần tra tại ngã tư đường Lê Hồng Phong với Nguyễn Văn Cừ. 16h30 học sinh ở các trường THPT Phan Bội Châu, Hermann Gmeiner Vinh kết thúc buổi học bắt đầu trở về nhà. Kèm theo đó là hình ảnh những cô cậu học sinh không đội MBH, dàn hàng ngang lưu thông trên đường.
Chỉ trong vòng 15 phút, tổ tuần tra phát hiện 2 trường hợp học sinh điều khiển xe máy điện vi phạm giao thông. Khi bị lực lượng CSGT dừng xe xử phạt lỗi không đội MBH, em Hoàng Trung Việt (SN 2001, trú phường Cửa Nam, TP Vinh) phân trần: “Bình thường cháu vẫn đội MBH khi tham gia giao thông. Do hôm trước cháu mới bị ngã xe, đầu vẫn còn đau nên đội MBH rất khó chịu”.
Tương tự, sau khi các chiến sỹ CSGT đón dừng 2 học sinh đèo nhau trên xe máy điện không đội MBH, em Nguyễn Duy Linh (học sinh lớp 10 Trường THPT Hermann Gmeiner Vinh) - người điều khiển, liền thanh minh: “Lúc chiều đi học cháu vẫn đội MBH, nhưng khi tan trường thì chẳng thấy đâu nữa. Sau đó, bọn cháu về nhà thay quần áo để đi đá bóng. Nghĩ đường gần nên không đội MBH”.
Thượng úy Cao Minh Dũng, Tổ trưởng Tổ TTKS liền hỏi lại: “Ở trường các cháu đã được tuyên truyền, hướng dẫn luật GTĐB chưa? Thầy cô, bố mẹ có nhắc nhở là mỗi khi đi xe đạp, xe máy điện là phải đội MBH không? Có biết đội MBH là để bảo vệ chính mình không? Giờ vi phạm các chú gửi giấy báo về trường, các cháu có sợ bị phạt không?”. Lúc này, Linh và bạn đi cùng lí nhí: “Dạ, có ạ”.
Đúng lúc này, bố của Linh đi qua thấy con bị CSGT xử phạt liền tới chất vấn: “Mũ đâu không đội? Bố đã nhắc bao nhiêu lần rồi mà vẫn vi phạm. Lần này về cho đi xe đạp luôn”. Bố của Linh cũng mong mọi người thông cảm vì tuổi các cháu còn bồng bột, gia đình sẽ dạy bảo cháu thêm để không tái phạm nữa.
Thượng úy Dũng cho biết: Trường Hermann Gmeiner là một trong số các trường đã được Đội cử cán bộ về tận nơi tuyên truyền hướng dẫn pháp luật về ATGT, tặng MBH, hướng dẫn cách lái xe an toàn... Tuy nhiên, khi tuần tra vẫn phát hiện một số em vi phạm.
Thầy Phan Xuân Huỳnh, Hiệu trưởng trường Hermann Gmeiner Vinh cho biết: Trường có hơn 900 học sinh khối THPT, đa số các em đều tham gia giao thông bằng xe máy điện, xe máy gắn máy dưới 50 phân khối (50 cm3). Vì vậy, ở các buổi chào cờ đầu tuần, nhà trường thường xuyên nhắc nhở các em phải đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, đồng thời cho học sinh ký cam kết đầu năm học.
“Hiện tại trường cũng có đội trực tình nguyện trước cổng, nếu phát hiện em nào không đội MBH, chúng tôi sẽ phạt theo quy chế. Còn đối với những trường hợp vi phạm bị CSGT gửi thông báo về, nhà trường sẽ phạt rất nặng. Ngoài mời phụ huynh lên làm việc, cảnh cáo trước toàn trường, học sinh đó còn phải viết bản kiểm điểm, buộc đi lao động công ích 1 tuần, đồng thời, hạ hạnh kiểm học kỳ”, ông Huỳnh nhấn mạnh.
Gia đình, nhà trường cùng phối hợp tuyên truyền
Theo thống kê của Đội CSGT-TT Công an TP Vinh, năm 2019, đơn vị phát hiện, xử lý 11.540 trường hợp vi phạm giao thông, trong đó có đến 786 trường hợp là học sinh sinh viên, 1.085 trường hợp trẻ em dưới 16 tuổi (chiếm 16,2% tổng số trường hợp vi phạm, cao nhất trong 5 năm trở lại đây).
Thiếu tá Lê Đăng Khoa, Đội phó Đội CSGT-TT Công an TP Vinh cho biết: Thời gian qua, tình trạng thanh, thiếu niên, học sinh sử dụng xe gắn máy dưới 50cm3, xe máy điện, xe đạp điện có diễn biến phức tạp, đặc biệt là số vụ TNGT liên quan đến loại xe này tăng cao. Trước thực trạng đó, lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo lực lượng CSGT phối hợp với lực lượng cảnh sát khác mở các đợt cao điểm, tập trung xử lý. Sau 3 tháng triển khai, đã xử lý 95 trường hợp thanh, thiếu niên, học sinh vi phạm. Hiện Đội tiếp tục duy trì và coi đây là nhiệm vụ thường nhật.
Theo Thiếu tá Khoa, nếu như trước đây các em học sinh ở lứa tuổi từ 14-18 chủ yếu đi bằng xe đạp, xe đạp điện thì giờ xe máy điện, xe gắn máy dưới 50cm3 là chủ yếu. Thêm vào đó, các em sử dụng phương tiện không chỉ để đến trường mà còn để đi chơi, đi dạo... do ở tuổi hiếu động nên không phải lúc nào các em cũng chấp hành nghiêm chỉnh.
Để giảm thiểu tình trạng vi phạm và nguy cơ xảy ra các vụ TNGT đáng tiếc, Thiếu tá Khoa cho rằng, việc đẩy mạnh tuyên truyền phối hợp 3 bên: Lực lượng chức năng, gia đình và nhà trường vẫn là giải pháp tối ưu nhất. Hiện nay, Đội đang tiếp tục phối hợp với các trường THPT, THCS trên địa bàn tổ chức các đợt tuyên truyền pháp luật giao thông hàng tháng. Đồng thời, tăng cường gửi thông báo vi phạm về cho nhà trường, phụ huynh, giáo dục, coi đây như là một biện pháp răn đe nhằm nâng cao ý thức cho các em.
Ông Nguyễn Trọng Hoàn, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: “Đối với các trường hợp học sinh vi phạm bị CSGT gửi thông báo về, chúng tôi yêu cầu các trường xem xét xử lý nghiêm, đồng thời gắn trách nhiệm liên đới cho giáo viên chủ nhiệm để xếp loại thi đua của lớp trong tháng. Bên cạnh đó, nhà trường và phụ huynh cũng cần phải ngồi lại với nhau, đưa ra các biện pháp giáo dục để các em hiểu và thực hiện”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận