Phương tiện tăng nhanh, hạ tầng giao thông không theo kịp
Chiều 28/2, tại Hội nghị ATGT năm 2019 do Ban ATGT TP.Đà Nẵng tổ chức, ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT kiêm Phó ban thường trực Ban ATGT TP.Đà Nẵng cho biết, thành phố đã và đang có nhiều giải pháp hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông.
Theo ông Trung, ùn tắc giao thông có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc quy hoạch và xây dựng đô thị phần lớn tập trung vào khu vực trung tâm thành phố như: khách sạn, nhà hàng, khu thương mại... các vấn đề này dẫn đến mật độ giao thông dày đặc, gây ùn tắc giao thông giờ cao điểm tại các nút giao thông, siêu thị, các cổng trường học...
Theo văn phòng Ban ATGT TP.Đà Nẵng, trong năm 2018, Công an thành phố đã triển khai nhiều đợt cao điểm đảm bảo trật tự ATGT, xây dựng kế hoạch xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới TNGT.
CSGT phát hiện hơn 70 nghìn trường hợp vi phạm. Ra quyết định xử phạt gần 62 nghìn trường hợp, tạm giữ 460 ô tô, 3.181 mô tô, tước GPLX có thời hạn hơn 9.000 trường hợp
Hệ thống camera giám sát đã phát hiện 12.509 trường hợp vi phạm, lập biên bản vi phạm sau khi gửi thông báo 8.509 trường hợp...
Trong năm, trên địa bàn xảy ra 96 vụ TNGT, làm chết 60 người, bị thương 65 người. Giảm cả 3 tiêu chí so với năm 2017.
"Trong khi đó quỹ đất dành cho giao thông tĩnh còn khá hạn chế, tình trạng thiếu bãi đỗ xe công cộng là vấn đề nan giải cần giải quyết", ông Trung nói.
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, tại các nút giao thông phía Tây cầu Rồng, nút giao phía Tây cầu Trần Thị Lý, đường Trần Phú (trước chợ Hàn)... thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc vào giờ cao điểm. Nhiều nút giao thông xa khu vực trung tâm thành phố cũng bắt đầu xuất hiện tình trạng ùn tắc cục bộ.
17h30, dòng phương tiện ùn ùn đổ về ngã tư Điện Biên Phủ - Hà Huy Tập khiến khu vực này bị ùn tắc kéo dài cả cây số, nhiều người phải mất 2 - 3 chu kỳ đèn tín hiệu giao thông để qua được nút giao này..
"Công tác tổ chức giao thông chưa theo kịp sự gia tăng lượng phương tiện. Mỗi năm trung bình số ô tô tăng hơn 18%, mô tô tăng hơn 5%", ông Trung cho biết.
Chống ùn tắc cách nào?
Theo ông Trung, trong năm 2018, Sở GTVT TP.Đà Nẵng đã tham mưu UBND thành phố triển khai cấm xe sơmi rơmóoc trên trục Ngô Quyền - Ngũ Hành Sơn từ 16h - 20h. Phân luồng xe khách trên 30 chỗ vào trung tâm thành phố từ 17h - 18h hằng ngày. Cấm đỗ xe một số tuyến đường Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Thái Học... Lắp đặt bổ sung biển báo cấm dừng, đỗ xe trong giờ cao điểm phạm vi bán kính 50m trước cổng 51 trường học trên địa bàn.
Lãnh đạo Sở GTVT TP.Đà Nẵng cho biết đã thực hiện cải tạo vỉa hè, vịnh đỗ xe tại một số tuyến đường, thi công bãi đỗ xe tạm tại 5 vị trí trên các tuyến đường ven biển.
"UBND TP.Đà Nẵng cũng phê duyệt dự án bãi đỗ xe lắp ghép tại số 255 Phan Châu Trinh, bãi đỗ xe này đã khởi công vào tháng 12/2018. Về bãi đỗ xe 166 Hải Phòng, Sở đã trình UBND thành phố nhưng hiện nay còn vướng mặt bằng", ông Trung nói.
Đáng chú ý, Sở GTVT đã trình thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư cụm nút giao thông phía Tây cầu Rồng và nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý, tiến tới xóa ùn tắc nghiêm trọng tại 2 nút giao thông trọng điểm này.
"Trong năm 2019, Sở GTVT sẽ nghiên cứu các giải pháp phân luồng từ xa, tiếp tục tổ chức phân làn đường tại các tuyến đường mới đưa vào sử dụng khi đủ điều kiện. Tiếp tục triển khai tổ chức giao thông ở các tuyến đường một chiều, cấm đỗ xe theo ngày chẵn - lẻ. Đề xuất xây dựng các bãi đỗ xe, nhà đỗ xe cao tầng, cấm đỗ xe trên các tuyến đường đã có bãi đỗ xe tập trung", ông Trung thông tin.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận