Liên tiếp xảy ra TNGT nghiêm trọng vào ban đêm
Hiện trường vụ TNGT liên hoàn trên QL1 qua Quảng Ngãi tối 23/10
Khoảng 3h45 rạng sáng 31/10, trên đường Lê Quang Đạo, Hà Nội xảy ra vụ TNGT giữa xe ô tô Ferrari 488 mang BKS 80-346-NG-74 do anh H.B.V. (SN 1997) điều khiển và xe mô tô BKS 29T1 - 337.35 do ông L.V.H (SN 1964) điều khiển đi phía trước cùng chiều. Hậu quả khiến ông H. tử vong tại chỗ. Nguyên nhân vụ tai nạn đang được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
Để hạn chế TNGT vào ban đêm, cần tăng cường hệ thống ánh sáng, cảnh báo trên đường nhằm hỗ trợ quá trình di chuyển, nhận biết đường của tài xế. Lực lượng chức năng cũng cần tăng cường công tác TTKS vào khung giờ thường xảy ra TNGT để nâng cao ý thức chấp hành Luật GTĐB của người dân. Ngoài ra, cần đánh giá TNGT xảy ra trên từng tuyến đường để xác định nguyên nhân và có những giải pháp cụ thể khắc phục.
Thượng tá Phạm Việt Công, Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia
Ở Sơn La, tối 23/10, tại Km 170+070 QL6 đoạn qua địa phận huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La đã xảy ra vụ TNGT giữa ô tô bán tải BKS 29C - 960.74 và xe máy BKS 90B2 - 786.48 khiến 2 người đi xe máy tử vong.
Trước đó 1 ngày, khoảng 2h40 sáng 22/10, xe ô tô đầu kéo BKS 36H - 033.78 kéo theo rơ-moóc mang BKS 36R - 026.53 lưu thông trên tuyến Đại lộ Nam Sông Mã đã va chạm với xe ô tô BKS 89C - 199.36 di chuyển theo hướng ngược lại cũng khiến 2 người tử vong, mắc kẹt trong cabin.
Trước đó, khoảng 0h cùng ngày, trên QL1A đoạn qua tỉnh Bình Thuận đã xảy ra vụ TNGT liên hoàn giữa 4 xe khách giường nằm, khiến 3 hành khách bị thương nặng.
Tại Mỹ Tho, khoảng 20h ngày 10/10 cũng xảy ra vụ TNGT khiến một nam thanh niên khoảng 20 tuổi lái xe máy BKS 63B8 - 308.00 tử vong khi đâm vào đuôi xe tải BKS 65H - 017.85 đang dừng sát dải phân cách.
Theo thống kê từ Ủy ban ATGT Quốc gia, trong 9 tháng đầu năm 2022, số vụ TNGT xảy ra vào ban đêm (khung giờ từ 18h - 24h) gia tăng so với cùng kỳ năm trước, chiếm 40,85% (năm 2021 là 38,75%).
Phương tiện gia tăng tỷ lệ thuận với tai nạn
TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến các vụ TNGT về đêm là do sự chủ quan và thiếu tỉnh táo của người điều khiển phương tiện.
Ngoài ra, mức độ chiếu sáng kém cũng ảnh hưởng hưởng đến tầm nhìn và khả năng xử lý tình huống của tài xế.
Đồng quan điểm, chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cho biết, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động kinh tế - xã hội mở cửa trở lại, lưu lượng phương tiện gia tăng sẽ tỷ lệ thuận với các va chạm, TNGT.
“Lượng xe di chuyển ít hơn dẫn đến tâm lý chủ quan của tài xế làm gia tăng tình trạng lưu thông với tốc độ cao trong khi tầm nhìn hạn chế, dẫn đến khó làm chủ các tình huống xảy ra trên đường”, TS. Bình nhìn nhận.
Theo TS. Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học GTVT, một nguyên nhân khác cũng cần nghiên cứu kỹ hơn đó là ý thức chấp hành giao thông của người dân đi xuống do thói quen đi lại thiếu an toàn hình thành trong thời gian giãn cách xã hội do đường phố vắng vẻ và ít có lực lượng chức năng kiểm tra.
“Trên thế giới nhiều chuyên gia cũng đang nghiên cứu theo hướng này để xem xét liệu có hay không tác động lâu dài của Covid-19 đến vấn đề ATGT”, TS. Hiếu nói.
Theo ông Hiếu, TNGT xảy ra vào ban đêm không loại trừ nguyên nhân đây là khung giờ người dân ăn tối và sử dụng rượu bia trước khi điều khiển phương tiện.
Đối với các lái xe thương mại (xe container hay xe tải), tài xế có thể đã làm việc căng thẳng nhưng vẫn tiếp tục chạy xe vào đêm khiến thể chất kiệt quệ.
Thu thập dữ liệu cảnh báo TNGT thông qua chuyển đổi số
Hiện trường vụ TNGT trên đường liên thôn ở huyện Hàm Thuận, Bình Thuận tối 17/9
TS. Hiếu cho biết, nguy cơ rủi ro tai nạn cao vào ban đêm hiện nay chủ yếu liên quan đến uống rượu bia điều khiển xe và hoạt động của các xe tải.
Từ đó, ông Hiếu kiến nghị lực lượng chức năng cần thực hiện nhiều đợt kiểm tra cao điểm và xử phạt nghiêm với các vi phạm.
Đối với hoạt động của xe tải cần quản lý chặt chẽ về vấn đề tải trọng. Đồng thời, với doanh nghiệp vận tải phải có giải pháp quản lý chi tiết hơn để có cơ sở thống kê thời gian làm việc và xử lý khi có tình trạng lái xe quá thời gian quy định.
Giám đốc một doanh nghiệp vận tải khách tuyến cố định cho biết, hiện nay doanh nghiệp đã thực hiện lắp đặt camera giám sát tài xế, cửa lên xuống và khoang hành khách, đồng thời lắp cả thiết bị giám sát hành trình theo dõi lộ trình xe chạy.
Tuy nhiên, với biểu hiện của lái xe, chủ yếu vẫn thông qua quan sát bằng mắt thường, hiện chưa có công nghệ để khi tài xế có dấu hiệu lạ (ngủ gật, mệt mỏi, ốm đau bất ngờ) có thể đưa ra cảnh báo tức thời giúp doanh nghiệp kịp thời can thiệp.
Theo các chuyên gia, trên thực tế, việc khai thác triệt để nguồn dữ liệu này nhằm phục vụ mục đích đảm bảo an toàn khi lưu thông, nhất là mang tính dự báo, cảnh báo hiện chưa được thực hiện đầy đủ. Hiện nay, các dữ liệu thu thập chủ yếu phục vụ công tác hậu kiểm, lưu trữ.
TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên viên cao cấp JICA cho biết, với hàng triệu phương tiện thì không thể xử lý “núi dữ liệu” bằng sức người mà cần áp dụng công nghệ và chuyển đổi số chính là “chìa khóa”.
Thông qua chuyển đổi số, cơ quan quản lý có thể cảnh báo tình trạng giao thông cụ thể cung đường theo gian thực, giám sát hành trình, tốc độ của lái xe theo thời gian thực; thậm chí có thể can thiệp kịp thời vào quá trình điều khiển xe của tài xế.
“Tuy nhiên, hiện nước ta chưa làm được việc này bởi gặp khó trong thu thập nguồn dữ liệu, các camera thuộc nhiều doanh nghiệp, cơ quan khác nhau chưa tập hợp thành một hệ thống dữ liệu lớn đồng bộ, do đó, cũng chưa tìm được giải pháp công nghệ phù hợp để ứng dụng” TS. Đức nói và cho rằng, trong tương lai, cần phát triển và áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để máy tính thực hiện tự động theo dõi, phát hiện vi phạm và đưa ra cảnh báo trên hệ thống quản lý.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận