Đổi mới hình thức tuyên truyền về ATGT trong nhà trường là một trong những nội dung được ngành chức năng tỉnh Gia Lai áp dụng trong thời gian gần đây.
Đổi mới hình thức tuyên truyền và tăng thời lượng tuyên truyền về ATGT trong học đường đang được Gia Lai quan tâm như một giải pháp kéo giảm TNGT "từ xa".
Những người trẻ ở buôn làng
Theo thống kê của Ban ATGT tỉnh Gia Lai: Trong năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 337 vụ TNGT, làm chết 242 người, bị thương 265 người. So với năm 2021 số vụ 306 - tăng 10,79%, số tử vong 209 người - tăng 15,79%, số bị thương 255 người - tăng 3,92%). Tính từ năm 2021-2022, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã xảy ra 64 vụ TNGT liên quan đến người điều khiển phương tiện dưới 16 tuổi, làm chết 22 người, 53 người bị thương. Trong đó, 70% số vụ liên quan đến độ tuổi trẻ em là người dân tộc thiểu số.
Trước diễn biến phức tạp về trật tự ATGT, Ban ATGT tỉnh Gia Lai đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trang bị kiến thức, kỹ năng thực hành lái xe gắn máy an toàn cho học sinh THPT. Đáng chú ý, một trong số những ngôi trường được chọn để tuyên truyền là trường THPT Nội trú tỉnh Gia Lai - nơi có 100% học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số. Tại đây, hơn 400 học sinh được truyền đạt một số nội dung cơ bản của Luật Giao thông đường bộ, quy định xử phạt vi phạm pháp luật giao thông thường xảy ra đối với học sinh; hậu quả và hệ lụy của TNGT tác động đến đời sống, sức khỏe, học tập; hướng dẫn các biện pháp tham gia giao thông an toàn, văn hóa tham gia giao thông, cách nhận biết các biển báo hiệu giao thông, đội mũ bảo hiểm đúng quy cách, biện pháp phòng ngừa TNGT liên quan đến học sinh,…
Đặc biệt, để giúp học sinh dễ tiếp cận với các quy định pháp luật về giao thông, Ban ATGT tỉnh Gia Lai đã lồng ghép các câu hỏi đố vui, trình chiếu các đoạn video về tình huống nguy hiểm thường gặp khi học sinh điều khiển phương tiện xe gắn máy lưu thông trên đường. Với lối tuyên truyền sinh động, nội dung ngắn gọn, súc tích và các hoạt động sát thực tế, phù hợp với lứa tuổi; vừa tuyên truyền vừa kết hợp hình ảnh, các biển báo chỉ dẫn giao thông; đưa ra những câu hỏi tình huống… đã giúp các em dễ tiếp thu để có thể áp dụng vào thực tế khi tham gia giao thông.
Thầy Hoàng Bình Châu, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh đánh giá: Nội dung các bài giảng tuyên truyền có trọng tâm, chủ đề sinh động, phù hợp với lứa tuổi học sinh, minh họa cụ thể bằng hình ảnh, video clip thực tế. “Chương trình ngoại khóa không những giúp học sinh hiểu biết sâu rộng các quy định của Luật Giao thông đường bộ, nâng cao kỹ năng lái xe an toàn mà khi về với gia đình, nơi sinh sống, mỗi em còn là một tuyên truyền viên tích cực góp phần nâng cao ý thức cộng đồng trong việc chấp hành pháp luật về ATGT, từ đó góp phần phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ xảy ra các vụ TNGT”- thầy Châu nhận xét.
Tặng mũ bảo hiểm cho học sinh để góp phần giảm thiểu TNGT
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
"Việc vận động, giáo dục, tuyên truyền để tất cả các trẻ em đều có mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn và đội đúng cách khi tham gia giao thông trên mô tô, xe máy đóng vai trò hết sức quan trọng và là giải pháp bền vững, lâu dài trong việc giảm thiểu những rủi ro khi TNGT không may xảy ra, góp phần xây dựng nét đẹp văn hoá giao thông...".
Ông Phan Hữu Hiếu - Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Gia Lai
Nhân rộng mô hình này, từ đầu tháng 11 đến nay, Ban ATGT tỉnh Gia Lai tiếp tục phối hợp với Công an tỉnh, Sở GTVT, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức chương trình tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật và bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng thực hành lái xe gắn máy an toàn cho học sinh các trường THPT: Phan Bội Châu (TP. Pleiku), Nguyễn Huệ (huyện Đak Đoa) và Lê Quý Đôn (huyện Chư Prông).
Ngay sau các chương trình điểm này, Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường THPT trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục chủ động triển khai kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trang bị kiến thức kỹ năng thực hành lái xe gắn máy an toàn cho học sinh và tập huấn cho giáo viên. Cùng với việc tuyên truyền trong lứa tuổi học sinh, lực lượng Công an các huyện trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng phối hợp với các xã trọng điểm về TNGT chủ động tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: xây dựng phóng sự về ATGT chiếu tại các buổi tuyên truyền ở thôn, làng; tranh thủ các già làng, người có uy tín để cùng tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật về trật tự ATGT; tổ chức gọi hỏi, răn đe các thanh-thiếu niên càn quấy, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Từ đó, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của thanh -thiếu niên đồng bào dân tộc thiểu số, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định pháp luật về giao thông...
Theo ông Phạm Ngọc Thanh, Chủ tịch UBND xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai): “Việc lồng ghép các nội dung tuyên truyền ATGT tại các thôn, làng, đặc biệt là đối với các đối tượng là thanh-thiếu niên học sinh trong nhà trường là một trong những giải pháp thiết thực, góp phần đảm bảo trật tự ATGT tại địa phương. Cùng với đó, xã cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền bằng tiếng địa phương, các bản tin ATGT qua loa truyền thanh của xã, nhờ đó tình hình TNGT giảm, an ninh trật tự, ATGT được giữ vững.
Bên cạnh việc tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợpvi phạm liên quan đến thanh-thiếu niên, Đội CSGT-Trật tự (Công anhuyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) còn huy động huy động cả hệ thống chính trị, chính quyền địa phương quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp kéo giảm TNGT ngay từ cơ sở. Đại úy Trần Văn Tiến - Đội trưởng thông tin: Ngoài việc phối hợp với các xã tổ chức truyên truyền và hướng dẫn Luật Giao thông đường bộ và các chế tài xử lý vi phạm, hệ lụy của TNGT, Đội còn phối hợp với Nhà hát ca múa nhạc tổng hợp Đam San tổ chức chương trình giao lưu văn nghệ, tuyên truyền về ATGT. Từ đầu năm đến nay, Đội đã phối hợp tổ chức tại các thôn, làng, trường học được 64 buổi, thu hút hơn 11 ngàn người tham gia; tặng 250 mũ bảo hiểm và kết hợp tặng đồ dùng học tập cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Trao đổi với PV, ông Phan Hữu Hiếu - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Gia Lai nhấn mạnh: Ngoài việc tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm, các lực lượng chức năng của tỉnh còn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông đường bộ, nhất là các đối tượng là thanh-thiếu niên. Song song với việc tuyên truyền phổ biến pháp luật cho học sinh tại trường THPT, các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đồng loạt triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền hiệu quả. Hi vọng với việc đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền, tình hình TNGT liên quan tới thanh-thiếu niên trên địa bàn tỉnh được kỳ vọng sẽ kéo giảm TNGT rõ rệt.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận