Tai nạn giao thông (TNGT) tại Gia Lai giảm cả 3 tiêu chí nhưng việc phân tích nguyên nhân và đưa ra giải pháp lâu dài được Ban ATGT tỉnh Gia Lai hết sức quan tâm.
Vụ TNGT giữa xe khách và xe tải tại đường Hồ Chí Minh qua địa bàn Thành phố Pleiku khiến 2 người tử vong và 8 người bị thương (Ảnh: Tạ Vĩnh Yên).
Nhiều điểm bất cập gây TNGT
Lâu nay, TNGT xảy ra là cứ đè chính quyền ra xử lý trách nhiệm. Vậy, cấp ủy có trách nhiệm trong này không? Vậy nên, cần phải xử lý trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng nữa.
Trung tá Ksor H’Bơ Khăp
Trong 6 tháng đầu năm 2023 (từ 15/12/2022 đến 14/6/2023), toàn tỉnh Gia Lai xảy ra 165 vụ TNGT, làm 112 người chết và 111 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2022, giảm 2 vụ, giảm 12 người chết và giảm 26 người bị thương. Tuy giảm cả 3 tiêu chí, nhưng số vụ tai nạn giảm thấp, số người chết còn ở mức cao, vẫn xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng.
Ông Đoàn Hữu Dũng, Phó trưởng ban Thường trực Ban ATGT, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Gia Lai cho biết, qua phân tích, TNGT chủ yếu do lỗi chủ quan của người tham gia giao thông; tình trạng thanh, thiếu niên tụ tập chạy tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, học sinh sử dụng xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi còn xảy ra ở nhiều nơi.
Nói thêm về nguyên nhân xảy ra TNGT trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Trung tá Ksor H’Bơ Khăp, Phó giám đốc Công an tỉnh Gia Lai cho biết, việc chấp hành các nguyên tắc, quy tắc về bảo đảm trật tự ATGT của người dân còn hạn chế. Theo đó, có đến 92,91% các vụ TNGT là lỗi chủ quan của người tham gia giao thông. Nhiều vụ, người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu bia và không có GPLX.
Hệ thống đường quốc lộ không có giải phân cách cứng, giao cắt với nhiều đường ngang dân sinh, nhất là khu vực đông dân cư dễ gây tai nạn. Một số tuyến quốc lộ thiếu hệ thống đèn tín hiệu, gờ giảm tốc; một số tuyến đang được nâng cấp, sửa chữa tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây TNGT. Ngoài ra, tại một số tuyến liên thôn, liên xã hẹp, xuống cấp, thiếu hệ thống đèn chiếu sáng.
Phó giám đốc Công an tỉnh Gia Lai cũng cho rằng, việc khắc phục những điểm tiềm ẩn về TNGT, các bất hợp lý về tổ chức giao thông trên các tuyến, địa bàn phụ trách còn chưa kịp thời, còn chậm, chưa tương xứng với yêu cầu thực tế. Ngoài ra, với 12.890km đường giao thông, nhưng lực lượng chức năng còn mỏng, không bảo đảm tuần tra khép kín, chưa phát hiện, xử lý triệt để được các hành vi vi phạm.
Tại huyện Đăk Pơ, một trong những địa phương có số vụ TNGT tăng cao trong thời gian qua, ông Huỳnh Văn Hơn, Phó chủ tịch UBND huyện Đăk Pơ cho rằng, dự án “Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên” vừa thi công, vừa khai thác khiến mặt đường xuất hiện nhiều ổ gà, một số vị trí trước nhà dân, điểm giao nối với các đường ngang không đảm bảo, các cầu tạm hẹp nhưng không có người điều tiết giao thông dẫn đến xảy ra nhiều vụ TNGT ở các vị trí này.
Ông Hơn cho biết, đã có một vụ TNGT khiến hai người tử vong tại vị trí đang thi công trên địa bàn huyện.
Ông Nguyễn Hữu Quế - Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai chủ trì hội nghị.
Bàn phương án giảm thiểu TNGT
Để góp phần giảm thiểu TNGT trên địa bàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế cho rằng cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự ATGT; xây dựng và nhân rộng các mô hình hiệu quả trong công tác bảo đảm trật tự ATGT. Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh việc vận động, giáo dục cá biệt đối với thanh thiếu niên thường xuyên vi phạm trật tự ATGT, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm ngay từ thôn, làng, trên đường huyện, đường xã.
"Hôm vừa rồi tôi đi công tác qua địa bàn huyện Ayun Pa, qua khỏi cầu có một ổ gà sâu tầm nửa mét nhưng không thấy đơn vị thi công sửa. Nếu để tình trạng như trên sẽ tiềm ẩn TNGT.
Các tuyến giao thông ven đô thị Pleiku, tình trạng xe quá tải rất nhiều. Những đường nhỏ có rất nhiều phương tiện lớn đi vào nhưng không bị xử phạt, dẫn đến hư hỏng khiến người dân bức xúc.
Mỗi công trình vài tỷ đồng, mới làm xong được mấy tháng thì xe quá tải phá hỏng mặt đường, gây nguy cơ tiềm ẩn TNGT", ông Quế nói và yêu cầu các lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông.
Cũng theo ông Quế, tình trạng xe quá tải hoạt động trên các tuyến đường của địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn tồn tại ở mức cao.
Mặt khác, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cũng đề nghị các cấp ngành tiếp tục rà soát, xử lý kịp thời các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT từ quốc lộ, đường tỉnh cho đến đường huyện, trong đó, tập trung lắp đặt đầy đủ hệ thống báo hiệu đường bộ, cọc tiêu, tường hộ lan, phát quang đảm bảo tầm nhìn, không để xảy ra TNGT.
Cùng với đó, thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn nhằm tạo chuyển biến tích cực, tiến tới hình thành thói quen, văn hóa “đã uống rượu bia, không lái xe”, trước hết trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức…
"Có tình trạng đi nhờ xe công của cơ quan đơn vị nhà nước nhưng việc chấp hành đeo dây an toàn để bảo vệ cho chính mình còn đối phó. Mỗi cán bộ, đảng viên cần phải làm gương. Các mô hình tuyên truyền ATGT phải thực tiễn và thực chất chứ không phải là hình thức", ông Quế nêu.
Ông Đoàn Hữu Dũng, Phó trưởng Ban thường trực Ban ATGT tỉnh, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Gia Lai đã quán triệt một số nội dung trọng tâm của mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm đặt ra của Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm trật tự, ATGT.
Đặc biệt là việc siết chặt trật tự, kỷ cương, xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của người tham gia giao thông và người làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về bảo đảm trật tự, ATGT; tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; nâng cao năng lực quản lý, điều hành, phối hợp các lực lượng trong bảo đảm trật tự ATGT…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận