Giờ gần như thành phế nhân, anh ứa nước mắt mỗi khi nhìn cảnh cha mẹ già phải làm lụng vất vả, còn tương lai của hai con chưa biết ra sao.
Tỉnh dậy thấy mình nằm trong viện
Khi tỉnh dậy sau một tuần nằm mê man, nhìn thấy xung quanh toàn người bệnh, dây truyền dịch… anh Nguyễn Thanh Phong (43 tuổi, ngụ ấp Trường Trung A, xã Tân Thới, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) suýt la toáng lên.
Nằm thở dốc, vài giờ sau, anh mới mường tượng lại một vài chi tiết về sự việc đã xảy ra trước đó.
Tối 19/9, anh về trễ vì làm công trình ở tận quận Cái Răng, TP Cần Thơ, cách nhà hơn 20km.
Khoảng 20h, anh chạy xe máy về gần đến nhà thì bất ngờ va quệt với một xe máy khác chạy cùng chiều. Anh chỉ nhớ được đến lúc đó, bởi tỉnh dậy đã thấy ở bệnh viện.
Nằm viện ba tuần, một phần hộp sọ của anh Phong phải gửi lên TP.HCM, cha mẹ anh phải chạy vạy vay mượn hơn 60 triệu đồng.
"Nhà chỉ có ít đất vườn, thu nhập chẳng là bao, nên cái ăn cứ thiếu trước hụt sau. Thằng Phong bị tai nạn, tiền bạc gia đình phải đi vay mượn hết", bà Tô Thị Tuyết (69 tuổi, mẹ anh Phong) cho biết.
Khi con trai xuất viện, bà Tuyết lót tấm nệm cho anh nằm tạm ở hiên nhà. Căn nhà nhỏ của anh gần đó đã bỏ hoang.
Từ lúc vợ anh mất vì bạo bệnh vào năm 2020, căn nhà ấy đã vắng rồi, khi hai con anh sang nhà nội mà sống nhờ.
Nước mắt mẹ già
"Đứa con gái lớn giờ 12 tuổi, học lớp 6. Còn thằng con trai út mới bốn tuổi, mồ côi mẹ ngay lúc vừa chào đời được ba tuần.
Tụi nó sống với vợ chồng tôi, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Cha nó làm ngày hơn 300.000 đồng, phụ được chút nào hay chút ấy", bà Tuyết nói.
Giờ, anh Phong nằm một chỗ sau vụ tai nạn, như phế nhân, gánh nặng dồn vào đôi vai bà Tuyết cùng chồng bà - ông Nguyễn Hữu Út (71 tuổi).
Anh Phong còn người em trai đang làm thuê ở TP.HCM. Còn người chị gái và anh kế lập gia đình ở riêng, nhưng cũng chẳng khá giả gì.
"Chi phí điều trị sắp tới, nhất là gắn lại nắp sọ chắc tôi cũng phải đi năn nỉ người ta để vay tiếp. Chứ giờ thực lòng tôi không biết phải làm sao", bà Tuyết nói và cho biết, căn nhà vợ chồng bà đang ở là nhà tình thương, cất hồi năm 2004.
Ngoài tiền công chồng bà đi làm thuê, cả nhà chỉ trông chờ vào mấy gốc sầu riêng trong vườn.
"Mà vụ mới nhất, tôi bán được chỉ vài triệu đồng do bị sâu bệnh… Giờ, tiền học, sách vở, ăn uống của mấy đứa cháu, hai vợ chồng phải xoay xở đủ đường, cũng đã hết chỗ vay mượn cả rồi.
Trong khi đó, tiền thuốc thang cho Phong lấy từ đâu ra vẫn là dấu hỏi to tướng. Có lúc, tôi nghĩ đến chuyện bán đất. Nhưng mất đất, cả gia đình sẽ ở đâu?", bà Tuyết ngậm ngùi.
Tương lai mờ mịt của hai đứa trẻ
"Tôi rầu lắm. Mẹ tụi nó mất sớm, giờ coi như cha cũng không thể lo cho tụi nó luôn", anh Phong rơm rớm nước mắt.
Vợ mất, anh Phong đau một, giờ nhìn các con rồi nghĩ lại mình, anh đau gấp bội. Anh nói, mấy ngày này đã bớt đau nhức, anh có thể nhờ người đỡ lên để tập đi.
"Nhưng cái đầu nặng lắm, cứ muốn ngã xuống", anh kể.
Lúc vợ mất, tiền viện phí đã khiến anh trắng tay. Mấy năm nay, anh làm ngày nào ăn ngày đó, lo cho con cái nên cũng chẳng dư đồng nào. Căn nhà của anh được cha mẹ cho ra riêng, cứ như cái chòi, không có được cả cái bàn, chiếc ghế, nói chi đến tủ áo, tivi…
"Vợ chết, hoàn cảnh gia đình anh Phong khó khăn lắm. Các con anh phải ăn nhờ ở bên nhà nội. Vụ tai nạn khiến anh kiệt quệ.
Chúng tôi rất mong các nhà hảo tâm giúp đỡ để gia đình anh vượt qua những lúc ngặt nghèo như hiện nay", ông Huỳnh Hữu Tạo, Trưởng ấp Trường Trung A chia sẻ.
Mọi sự ủng hộ, giúp đỡ hoàn cảnh gia đình anh Phong, quý độc giả và các nhà hảo tâm gửi về Quỹ Chung tay Vì an toàn giao thông của Báo Giao thông, số tài khoản: 115000106087, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Hà Nội (Nội dung gửi ghi rõ: "Ủng hộ gia đình anh Phong ở Cần Thơ").
Hoặc có thể liên hệ bà Tô Thị Tuyết (mẹ anh Phong) điện thoại: 0774.813563. Số tài khoản: Sacombank, 060235601527, Nguyễn Thanh Phú.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận