Xin vào hộ nghèo để con được đi học
Gạt những giọt lệ trực tràn trên khóe mắt, chị Trần Kim Dung (39 tuổi, trú thôn Mọc Tòng, xã Thanh Nguyên, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) nghẹn giọng khi nói về mong ước lớn nhất lúc này của mình là “xin được vào hộ nghèo”.
“Khi đó, các cháu đi học sẽ bớt đi nhiều khoản đóng góp, nhất là đứa út được tới trường. Nếu được thế, tôi cũng có thời gian đi xin việc, kiếm đồng rau đồng cháo cho các cháu. Hôm tôi hỏi thì xã bảo không được vì chưa tách hộ, chưa phải dân ở đây nên chưa được”, chị Dung buồn rầu.
Chị Trần Kim Dung và các con của mình
Quả thực, nhìn ngôi nhà, từng là mái ấm của 5 người được dựng bằng tôn, ở sát vách một ngôi nhà cấp 4 siêu vẹo của bố mẹ đẻ chị Dung, bất cứ ai cũng cảm nhận được tình cảnh khó khăn của những người đang sống bên trong.
Chị Dung kể, trước chị đi làm công nhân, nhưng từ ngày chồng bị TNGT mất, tinh thần, sức khỏe của chị suy yếu, chỉ ở nhà luẩn quẩn trông con út.
Không tiền, cả nhà ăn bám vào đồng lương công nhân 6 triệu/tháng của em trai và còn cả bố mẹ đã già yếu, bệnh tật. Thỉnh thoảng ai thuê thì chị tranh thủ dắt theo con đi rửa bát, dọn nhà kiếm 50.000 - 100.000 đồng.
“Giờ còn ít tiền phúng viếng khi chồng tôi mất nên vẫn duy trì cho 2 đứa lớn (lớp 8 và lớp 2) đi học. Riêng cháu nhỏ thì chưa dám cho đi vì giờ muốn đi mầm non mỗi tháng cũng mất vài trăm nghìn. Thỉnh thoảng cháu đòi, tôi cho cháu ra trường chơi cầu trượt rồi về. Nghèo túng khổ lắm chú ạ”, chị Dung ngậm ngùi.
Chị Dung kể tiếp, nhà chị có 4 chị em, chị là con cả. Nhà nghèo chỉ có 6 sào ruộng nên học đến lớp 10 thì chị bỏ vào Nam xin việc để có thêm tiền phụ bố mẹ nuôi các em.
Ban đầu vào chị đi xin việc khắp nơi nhưng không ai nhận, phần vì thân hình gầy gò quá, phần vì chưa đủ 18 tuổi.
Chị được một nhà bán cơm thương tình cho đi bưng bê, lau dọn, rửa bát. Đủ tuổi thì xin vào nhà máy làm công nhân sợi dệt.
Đến năm 25 tuổi thì gặp anh Trầm Minh Thường (SN 1982, quê Trà Vinh). Khi ấy anh làm lao động tự do. Được một thời gian thì cưới nhau, rồi dọn về thuê chung phòng trọ, lần lượt sinh được 2 cháu.
Cuộc sống công nhân giữa TP.HCM chỉ đủ giật gấu vá vai, cho 4 người sinh hoạt đầu tuần đoạn tháng.
“Nhà chồng ở Trà Vinh, họ đều là người dân tộc Khmer. Nhà đông anh em nên còn nghèo hơn cả nhà mình. Cuộc sống đang yên ấm, đến cuối năm 2019 khi tôi mang bầu cháu út thì cũng gặp dịch Covid- 19.
Trong đó, sống khổ quá nên vợ chồng quyết định chuyển về quê vợ làm. Bởi, Hà Nam tuy vẫn nghèo nhưng cũng đã có nhà máy, xí nghiệp. Về ông bà cho đất ở nhờ, dù gì cũng hơn ở trọ”, chị kể.
Đã nghèo còn gặp eo
Về quê, anh Thường xin vào làm tại Nhà máy Xi măng Thành Thắng cách nhà 7km, làm bốc hàng ở cảng nhưng thuộc diện công nhật, có tàu thì làm, không thì nghỉ.
Công việc nặng nhọc, nhưng tháng cố gắng cũng được 6 - 7 triệu/tháng. Còn chị thì đi làm công nhân cách nhà hơn 10km, cả tăng ca cũng được 4 - 5 triệu đồng.
Cuộc sống dần ổn định, thấy anh đi làm vất vả không có hợp đồng, bảo hiểm nên chị bàn với chồng mua bảo hiểm nhân thọ mức 18 triệu/năm để khi lỡ rủi ốm đau, già cả còn có tiền hỗ trợ.
Số tiền này với gia đình là không nhỏ, nhiều khi phải vay mượn thêm để đóng.
Rồi năm trước vợ chồng cũng quyết định dựng căn nhà tôn sau nhà ông bà, cả sắm đồ trả góp là mất hơn 100 triệu đồng. Ai ngờ, khi cuộc sống vừa có chút hi vọng thì xảy ra chuyện.
“Đó là ngày 2/8/2022, anh mới nhận lương. Buổi chiều anh em bạn bè rủ nhau đi liên hoan. Hơn 17h anh vẫn ở nhà nói vợ phần cơm để tí về ăn, vì khả năng tối sẽ có tàu lấy hàng. Đến hơn 19h, buổi liên hoan vừa bắt đầu chưa lâu, anh nhận được điện thoại báo 21h có tàu.
Anh chào bạn bè đi xe máy về trước. Xe máy mấy hôm hỏng đèn chưa sửa, anh đi thế nào theo đường tỉnh 495, đến chỗ khúc cua gần trường cấp 3 (Km 16+400) thì lao xuống vệ đường. Khi người dân chạy ra thì anh đã tử vong”, chị Dung thất thần nhớ lại.
Công an, rồi pháp y khám nghiệm, sau kết luận anh tự gây tai nạn và có nồng độ cồn. Vậy là cũng không được tiền bồi thường bảo hiểm.
Đau đớn chồng chất, chị vẫn hi vọng sẽ có cách để lấy tiền bảo hiểm, không được lãi thì cũng được trả gốc vì khi tư vấn làm hợp đồng không ai nói với chị có quy định này.
Hi vọng vớt vát chút đỉnh nuôi con khiến chị tiếp tục trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo. Chị kể: Khi lên làm việc với bảo hiểm chị bị họ từ chối thì chị bức xúc ra về. Ai ngờ có người nói sẽ chạy được hồ sơ rồi cho chị lấy về tầm 500 triệu đồng.
Như “người chết vớ được cọc”, mặc em trai ngăn cản, chị lại vay mượn lấy hơn 20 triệu đưa cho kẻ lừa đảo, rồi cuối cùng tiền không lấy được, người kia lặn mất tăm mất tích, không chứng từ biên nhận, lại đành mất trắng số tiền này.
“Cảm thông với hoàn cảnh của tôi nên những người cho vay tiền đều chưa đòi, nhưng nợ thì cũng phải trả. Tính ra giờ nhà đang nợ hơn 100 triệu. Mà giờ mấy trăm nghìn mình cũng không có thì biết làm sao”, chị Dung buồn rầu.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Thanh Nguyên, cho biết: “Trước mắt, xã chỉ đạo các trường trên địa bàn tạo điều kiện hỗ trợ sách vở, quyên góp hỗ trợ học phí cho 2 cháu nhỏ. Về lâu dài gia đình nên làm thủ tục để xin hưởng chính sách hộ nghèo. Chúng tôi cũng mong các nhà hảo tâm chia sẻ, giúp đỡ gia đình để họ vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống”.
Mọi sự ủng hộ, giúp đỡ hoàn cảnh chị Trần Kim Dung và 3 cháu, xin độc giả và các nhà hảo tâm gửi về Quỹ Chung tay vì ATGT của Báo Giao thông, số tài khoản: 115000106087, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Hà Nội. Nội dung: “Ủng hộ mẹ con chị Dung, ở Thanh Liêm, Hà Nam”.
Hoặc trực tiếp gửi về tài khoản Ngân hàng Quân đội cho chị Trần Kim Dung, số tài khoản: 0001293339003. Điện thoại: 0975406884.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận