Báo động tình trạng “ma men” lái xe dịp cuối năm
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, hình ảnh hàng quán tấp nập, những thực khách mặt đỏ au, liêu xiêu tự lái xe rời quán đã trở nên quá quen thuộc tại Hà Nội, đặc biệt thời điểm cuối năm khi những cuộc liên hoan được tổ chức ngày càng nhiều, bất chấp những khuyến cáo, tuyên truyền ra rả của lực lượng chức năng về tác hại của nồng độ cồn.
Dù lực lượng chức năng đã tăng cường ra quân kiểm tra xử lý nhưng số người vi phạm nồng độ cồn vẫn cao và có xu hướng tăng vào dịp cuối năm
Thống kê của Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, sau 2 tuần thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 (từ 15/11 - 29/11), lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện, xử lý 19.888 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. So với cùng thời gian trước khi thực hiện cao điểm tăng 2.468 trường hợp (tăng 14,2%).
Nhiều chuyên gia cho rằng, trong những dịp nghỉ lễ, thói quen của người dân vẫn chưa thay đổi, vẫn “ham vui” và chưa sợ bị phạt.
Đề xuất quy trách nhiệm hàng quán nếu khách hàng lái xe gây tai nạn
Các chuyên gia cho rằng, Luật Phòng chống tác hại của rượu bia về quảng cáo đồ uống có cồn, giảm thiểu khả năng tiếp cận với người trẻ thông qua thuế, phí bị xem là chưa đủ mạnh.
Trách nhiệm của người uống, đặc biệt của người bán, các chủ quán nhậu đã được đề cập, nhưng ý thức chấp hành của người dân vẫn còn thấp.
Anh Phạm Đức Thắng (trú tại quận Nam Từ Liêm) cho biết: “Thực tế, tại các quán nhậu, người nhậu cứ nhậu còn chủ quán cũng không quan tâm. Nhậu xong say ai gọi xe về thì gọi, hoặc tự đi xe về chứ chủ quán cũng không ngăn hay chủ động gọi xe cho khách về”.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Thuỳ (quận Cầu Giấy) cho rằng, việc mua rượu bia ở Việt Nam quá dễ dàng khi có nhiều cửa hàng tạp hoá bán và không quan tâm đến đối tượng mua hàng đã đủ tuổi hay chưa, họ chỉ quan tâm đến lợi nhuận kinh doanh. Đặc biệt, tại các địa phương, hình ảnh học sinh cấp 1,2 đi mua bia rượu giúp bố diễn ra phổ biến, rất nguy hiểm.
TS Phạm Việt Cường, Trường Đại học Y tế công cộng cho biết, hiện mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn ở Việt Nam rất cao, lực lượng chức năng cũng thường xuyên ra quân xử lý nhưng thói quen sử dụng rượu bia sau đó lái xe vẫn phổ biến.
Thiết nghĩ cần phải kiểm soát việc uống, hạn chế quảng cáo, tăng thuế, thậm chí tăng giá sản phẩm rượu bia để giảm việc sử dụng rượu, bia của người dân.
Hiện trường "ma men" lái xe gây tai nạn liên hoan tối 25/10 tại TP. Pleiku (Gia Lai)
Trong khi đó, TS Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học GTVT cho biết, ở Mỹ đã có các quy định và luật về việc các hàng quán phải chịu trách nhiệm khi khách hàng uống rượu bia sau đó lái xe về gây tai nạn.
Tại Việt Nam, cũng có thể truy cứu trách nhiệm các hàng quán trong trường hợp này nhưng để luật đi vào cuộc sống cần có cách thức rõ ràng để thực hiện.
“Quy định cấm bán rượu bia từ 22h tối hôm trước đến 6h sáng hôm sau là cần thiết để hạn chế tình trạng uống quá nhiều, dẫn đến khả năng phản xạ và ứng phó với các tình huống trên đường ở mức rất thấp” - TS. Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học GTVT nói và cho biết: Tại nước ngoài, đã có quy định các cửa hàng không được bán rượu bia cho người nhỏ tuổi, ví dụ dưới 21 tuổi (như tại Arizona, Mỹ) hoặc người đã có biểu hiện say xỉn, không còn tỉnh táo.
Việt Nam cũng có thể vận dụng để yêu cầu xử phạt hành chính các cửa hàng cho phép người uống rượu bia dẫn đến xay xỉn (lượng hóa thông qua 1 ngưỡng về alcohol trong máu). Tuy nhiên, trách nhiệm chứng minh việc sử dụng rượu bia ở cửa hàng nào đó không dễ dàng, nhất là trong trường hợp một người uống ở 2-3 nơi, cần quy định rõ, khi bị phạt sẽ chỉ phạt ở nơi cuối cùng uống hay cả những nơi trước đó.
Tình trạng liên hoan uống rượu bia dịp cuối năm diễn ra phổ biến
Lắp camera xử phạt nguội là cần thiết
Cũng theo TS Hiếu, để hạn chế “ma men” lái xe, lực lượng chức năng nên thực hiện các chính sách cưỡng chế như lập các chốt công khai gần các quán nhậu và công khai để chủ quán cũng như người dân biết được, từ đó chủ động lựa chọn phương tiện đi lại phù hợp sau khi uống rượu bia ra về.
“Mục tiêu không phải là phạt, mà có hình thức răn đe, cảnh báo để người dân biết và không thực hiện các hành vi sai phạm”, TS Hiếu nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, cần duy trì và thực hiện quyết liệt giải pháp này. Việc xử lý ngay tại các khu vực tập trung hàng quán rượu bia sẽ giúp giảm nguy cơ gây tai nạn và xử lý vi phạm ngay tận gốc.
Tuy nhiên, lực lượng chức năng không đủ lực lượng để ứng trực 24/24h tại các quán nhậu, do đó, cần ứng cụng công nghệ trong việc làm cơ sở để cơ quan chức năng xử lý.
Các quán rượu bia có thể lắp camera để giám sát tất cả người vào quán uống rượu bia, từ quán ra mà lái xe đi chỉ 1-2m là có thể phạt nguội. Không chỉ dựa vào camera tại các hàng quán, cơ quan chức năng cần lắp đặt camera giám sát để trích xuất làm cơ sở để xử lý vi phạm, nâng cao tính giáo dục, chấp hành Luật GTĐB cho người dân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận