Ghi nhận của PV Báo Giao thông, đường Hoàng Đạo Thúy kết nối đường Trần Duy Hưng và đường Lê Văn Lương nên mật độ phương tiện luôn ở mức cao. Đặc biệt, khoảng 10 năm trở lại đây, đường này phát triển chung cư ồ ạt khi có đến gần 20 tòa nhà cao từ 17 - 34 tầng dọc hai bên của tuyến đường vỏn vẹn hơn 1km. Lượng phương tiện đổ ra đường mỗi ngày ước tính đến gần chục nghìn ô tô và xe máy. Dù áp lực giao thông ngày càng lớn, song lâu nay, hai bên lòng đường Hoàng Đạo Thúy vẫn được Sở GTVT Hà Nội cấp phép quy hoạch bãi trông, giữ xe do Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ B&H tổ chức.
Thời điểm ghi nhận (18h ngày 14/10), PV chứng kiến hình ảnh các hướng phương tiện từ đường Trần Duy Hưng đổ về và từ các tuyến nhánh của phố Hoàng Đạo Thúy như: Nguyễn Thị Thập, Hoàng Ngân đi ra vật lộn kèn cựa nhau dưới lòng đường chật hẹp. Trong khi đó, các xe ô tô tại bãi đỗ của Công ty B&H mang BKS: 30F-483.xx, 30F-317.xx. 29A-208.xx, 29A-372.xx cùng hàng chục chiếc xe khác vẫn ung dung án ngữ trên 1/3 mặt đường để vào khu dân cư, quán cà phê gần đó.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng bộ môn Quy hoạch và quản lý GTVT, Đại học GTVT cho rằng: “Chức năng chính của lòng đường là dành cho lưu thông. Việc cấp phép để xe dưới lòng đường chỉ là giải pháp tình thế. Lòng đường chưa sử dụng hết năng lực mới được phép khai thác cho mục đích khác, trong đó có đỗ xe. Tuy nhiên, khi mật độ phương tiện tăng cao, nếu bãi đỗ xe vẫn tồn tại sẽ làm giảm chất lượng lưu thông của dòng xe trên đường, tác động tiêu cực cho giao thông qua khu vực đó”.
Chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Hữu Đức cho rằng, từ năm 2010 trở lại đây, Nhà nước đã có quy định tất cả các chung cư xây dựng phải đáp ứng tối thiểu 100% nhu cầu đỗ xe nội bộ. Trong bối cảnh Hà Nội mới chỉ dành chưa đến 10% diện tích cho hạ tầng giao thông, các cấp chức năng cần siết chặt hơn nữa việc tổ chức chỗ đậu đỗ phương tiện tại các dự án chung cư thay vì giải quyết kiểu “chắp vá”, cứ thiếu chỗ đỗ là “xẻ thịt” lòng đường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận