• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
Giao thông 24h

Đừng vì thành tích mà để học sinh vi phạm

16/10/2024, 19:20

Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng, cần thay đổi biện pháp tuyên truyền, giáo dục, không vì thành tích mà để học sinh vi phạm giao thông.

Ngày 16/10, Ban ATGT tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác đảm bảo TTATGT 9 tháng và triển khai nhiệm vụ quý IV/2024. Hội nghị này được kết nối trực tuyến tới điểm cầu 27 huyện, thị, thành phố, có sự tham gia của các xã.

Đừng vì thành tích mà để học sinh vi phạm- Ảnh 1.

Ban ATGT tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị sơ kết công tác đảm bảo TTATGT 9 tháng và triển khai nhiệm vụ quý IV/2024.

Hàng nghìn học sinh vi phạm

Một trong những nội dung "nóng" được đưa ra tại hội nghị lần này là tình trạng học sinh, thanh, thiếu niên vi phạm giao thông tăng cao. Trong đó, có những vụ TNGT liên quan đến học sinh.

Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh Thanh Hóa, trong 9 tháng của năm 2024, toàn tỉnh Thanh Hóa có 5.200 trường hợp học sinh vi phạm giao thông, phạt tiền 3,8 tỷ đồng. Các lỗi mà học sinh vi phạm chủ yếu như: không đội mũ bảo hiểm, điều khiển mô tô, xe máy chưa đủ tuổi; phụ huynh giao xe, nồng độ cồn...

Đừng vì thành tích mà để học sinh vi phạm- Ảnh 2.

9 tháng qua, lực lượng chức năng đã lập biên bản, xử lý 5.200 trường hợp học sinh vi phạm luật giao thông.

Cũng trong 9 tháng qua, thống kê cho thấy, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 291 người chết và 597 người bị thương do TNGT. Trong số đó, qua phân tích TNGT có 21 học sinh tử vong và 103 học sinh bị thương. 

Trước thực trạng này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm yêu cầu các địa phương, ngành giáo dục đưa ra đánh giá cụ thể để có giải pháp xử lý trong thời gian tới.

"Không chỉ riêng ngành giáo dục mà kể cả các ngành khác cũng vậy, mới chỉ nói hay thôi chứ chưa làm được. Chúng ta đừng có vì thành tích, vì chuyên môn một ngành mà làm ảnh hưởng đến cả xã hội. 

Tôi đề nghị công an tỉnh rà soát, tổng hợp xem hàng nghìn trường hợp học sinh vi phạm là ở trường nào, thuộc huyện nào. Vậy trách nhiệm nhà trường, trách nhiệm của hiệu trưởng ở đâu mà để các cháu học sinh vi phạm?. Việc này Sở GD&ĐT có nắm được hay không?", ông Liêm nói.

Đừng vì thành tích mà để học sinh vi phạm- Ảnh 3.

Bà Bùi Thị Thanh, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa cho biết trong thời gian tới sẽ giám sát chặt chẽ tình trạng học sinh vi phạm giao thông.

Bà Bùi Thị Thanh, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Chúng tôi có nắm được tình trạng học sinh vi phạm khi tham gia giao thông. Thời gian qua, Sở đã có chỉ đạo tới phòng chuyên môn, các cấp thuộc ngành và nhà trường về công tác tuyên truyền, biện pháp răn đe nhưng chưa quyết liệt". 

"Sắp tới chúng tôi sẽ yêu cầu các nhà trường thống kê số học sinh vi phạm và đối chiếu với số liệu từ bên công an để so sách, đánh giá sát nhất tình trạng học sinh vi phạm. Quan điểm của Sở là nếu như giáo viên, đảng viên, phụ huynh và học sinh vi phạm thì sẽ đưa ra biện pháp xử lý nghiêm", bà Thanh nói.

Đừng vì thành tích mà để học sinh vi phạm- Ảnh 4.

Ông Trịnh Huy Triều, Giám đốc Sở GTVT Thanh Hóa cho rằng bố mẹ khi giao xe cho con không biết mình đã vi phạm.

Tham luận thêm về vấn đề này, ông Trịnh Huy Triều, Giám đốc Sở GTVT Thanh Hóa cũng nêu ra thực trạng nhiều khi bố mẹ cũng không biết là con mình vi phạm và không biết là giao xe cho con chưa đủ tuổi điều khiển là vi phạm. 

"Bố mẹ không biết thì làm sao các cháu biết được. Nên vì vậy phải có giải pháp tuyên truyền cụ thể. Bên cạnh đó cần phân loại nguyên nhân dẫn đến các hành vi vi phạm, TNGT rồi tập trung làm thì mới hiệu quả. Tôi chỉ nói ngắn gọn một câu sologan: Chậm rãi, cẩn thận, nhường nhịn, đúng luật", ông Triều nói.

Cùng chung ý kiến trên, thiếu tướng Trần Phú Hà, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa cũng cho rằng: cần nghiêm túc nhìn lại công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho lứa tuổi học sinh. Công tác tham mưu, công tác phối hợp và triển khai các biện pháp phải thực hiện nhanh chóng, hiệu quả.

Đừng vì thành tích mà để học sinh vi phạm- Ảnh 5.

Thiếu tướng Trần Phú Hà, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa yêu cầu lực lượng công an khi xử lý vi phạm giao thông, điều tra TNGT sẽ không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

"Giờ các cháu có thời gian đâu đọc báo, nghe đài. Các cháu chỉ có điện thoại, vậy tại sao không sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền giáo dục được hiệu quả hơn", Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa gợi ý giải pháp.

Không có vùng cấm trong xử lý vi phạm

Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm yêu cầu những địa phương có tỷ lệ TNGT tăng trong 9 tháng qua cần phải có báo cáo cụ thể gửi về Ban ATGT tỉnh tổng hợp. Trong báo cáo phải nói rõ nguyên nhân tăng, tại sao tăng và giải pháp kéo giảm TNGT.

"Tôi cũng đề nghị, những đơn vị, địa phương khi đưa ra xét thi đua khen thưởng hàng năm cần xác minh làm rõ có vi phạm về giao thông hay không. Nếu phát hiện một cán bộ uống rượu, vi phạm nồng độ cồn thì đơn vị đó có xứng đáng nhận bằng khen hay không. Phải có chế tài, quy định cụ thể về việc này. Ý thức của cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trước, không cứ vì thành tích rồi bỏ qua", ông Liêm cho hay.

Đừng vì thành tích mà để học sinh vi phạm- Ảnh 6.

Ông Mai Xuân Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng không nên vì thành tích mà để học sinh vi phạm, gây TNGT.

Tính đến tháng 9/2024, tổng số phương tiện trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa hiện đang quản lý là 173.856 ô tô (trong đó có 14.528 xe kinh doanh vận tải), 2.347.120 mô tô, 191.322 xe máy điện; so với thời điểm tháng 9/2023, phương tiện toàn tỉnh tăng 19.413 ô tô (12,5%), 91.207 mô tô (04%) và tăng 60.910 xe máy điện (46,7%).

- 9 tháng đầu năm 2024, lực lượng chức năng đã lập biên bản, xử phạt 88.425 trường hợp, tạm giữ 23.316 phương tiện; tước GPLX, đăng ký, đăng kiểm, phù hiệu 12.736 trường hợp; nộp Kho bạc Nhà nước hơn 204 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2023 tăng 12.284 trường hợp (tăng 16%), số tiền phạt tăng hơn 25 tỷ đồng (tăng 13,6%).

Thiếu tướng Trần Phú Hà, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, qua báo cáo thống kê cho thấy TNGT xảy ra ở tuyến đường phân cấp cho huyện quản lý chiếm tới 56,9%, cấp phòng quản lý 41%, còn lại của cục quản lý. Việc xảy ra TNGT không thể đổ lỗi cho hạ tầng giao thông hay các nguyên nhân khách quan.

"Từ những phân tích nguyên nhân xảy ra TNGT thì phải có biện pháp, tổ chức hợp lý. Lực lượng công an cấp huyện phải chịu trách nhiệm, địa bàn nào xảy ra mất TTATGT phải chịu trách nhiệm. Lực lượng CSGT phải phối hợp với lực lượng cảnh sát như hình sự, ma tuý, kinh tế... kể cả công an xã để làm tốt công tác đảm bảo TTATGT chứ đừng nói lý do là thiếu biên chế, không bao quát hết địa bàn", thiếu tướng Trần Phú Hà nhấn mạnh.

Về những giải pháp trong thời gian tới, Thiếu tướng Trần Phú Hà đề nghị lực lượng công an các cấp trong tỉnh cần bám sát chức năng nhiệm vụ, làm tốt công tác tham mưu, kịp thời kiến nghị các nguyên nhân dẫn đến TNGT và có sự phối hợp thực hiện như về biển báo, vạch sơn, cảnh báo; các điểm đen, điểm tiềm ẩn xảy ra TNGT; các trạm cân tải trọng; biển thông báo camera trên các tuyến để cảnh báo cho người dân...

Đừng vì thành tích mà để học sinh vi phạm- Ảnh 7.

Hội nghị được kết nối với 27 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Đối với công tác tuần tra xử lý vi phạm, công tác điều tra, xử lý TNGT quán triệt xử lý nghiêm, đúng quy định, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ". 

Phát biểu tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm nhận định, trong thời gian tới lượng phương tiện lưu thông trên các tuyến đường còn tăng, kéo theo những tiềm ẩn về TNGT.

"Chúng ta xác định việc đảm bảo TTATGT là quan trọng, tính mạng con người là trên hết. Khi xử lý vi phạm thì không có vùng cấm, ngoại lệ. Trong quá trình xử lý vi phạm, nếu phát hiện cán bộ, viên chức đang công tác ở đâu thì gửi thông báo về cơ quan đó để có hình thức xử lý", ông Mai Xuân Liêm nhấn mạnh.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các ngành, Ban ATTGT thành viên cần quan tâm đẩy mạnh công tác phối hợp, tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong công tác bảo đảm ATGT, nhất là đối tượng học sinh, đoàn viên, thanh niên.

Bên cạnh đó, tăng cường xử lý chuyên đề vi phạm về nồng độ cồn, quá tải trọng, xử lý xe tang lễ, xe đưa đón học sinh, công nhân hết hạn, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT.

Ngoài ra, Sở GTVT Thanh Hóa cần rà soát, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền bổ sung các biển báo trên các tuyến quốc lộ để cảnh báo cho người dân, giảm nguy cơ TNGT...

9 tháng của năm 2024, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra 694 vụ, làm chết 291 người, làm bị thương 597 người; so với cùng kỳ năm 2023, tăng 11 vụ (1,6%), giảm 30 người chết (9,3%), tăng 31 người bị thương (5,5%), thiệt hại tài sản khoảng 11,7 tỉ đồng.

Hầu hết nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT xuất phát từ ý thức chủ quan của người tham gia giao thông, cụ thể: Không chú ý quan sát (chiếm 29,8%); vi phạm tốc độ (chiếm 15,9%); vi phạm làn đường, phần đường (chiếm 12%)…


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.