Mới đây, tại nút giao thông Trung Hòa - Trung Yên 3 hướng đi Trần Kim Xuyến (quận Cầu Giấy, Hà Nội), trong lúc các phương tiện đang nối đuôi nhau chờ đèn đỏ thì chiếc xe buýt tuyến số 51 (Trần Khánh Dư - Công viên Cầu Giấy) BKS: 29B-513.76 vô tư lấn làn, vượt đèn đỏ, băng băng qua nút giao với tốc độ khá cao khiến nhiều người đi đường hoảng hốt.
Dù ngay sau đó, người điều khiển chiếc xe buýt này đã bị đơn vị chủ quản tạm đình chỉ công tác để điều tra, xử lý, song nhiều người vẫn tỏ ra vô cùng phẫn nộ trước sự coi thường pháp luật của lái xe buýt và sự quản lý kiểu “thả nổi” của các đơn vị kinh doanh dịch vụ công cộng.
Trước đó một ngày, người tham gia giao thông tại ngõ 885 đường Tam Trinh cũng vô cùng bức xúc trước cảnh ùn tắc giao thông trong giờ thấp điểm (9h). Nguyên nhân là do tài xế xe buýt BKS 29B-197.37 tuyến số 30 (KĐT Gamuda - BX Mỹ Đình) và một chiếc xe cùng tuyến vô tư lưu thông ngược chiều nhau trên mặt đường chỉ vỏn vẹn khoảng 4 - 5m nên rơi vào tình cảnh “hai con dê qua cầu”, toàn bộ lối đi của người dân bị khỏa lấp.
Theo phản ánh, hàng ngày, người dân trong con ngõ này cũng liên tục bị những chiếc xe buýt quá khổ so với diện tích đường choán toàn bộ lối đi. Việc lưu thông trở thành “cực hình” vào mỗi giờ cao điểm.
“Đừng gọi họ là lái xe, họ chính là ông trời”, “Đường thành phố là của xe buýt hết nhé. Gặp xe buýt người dân hoặc bị ép làn, hoặc buộc phải đi sau hít khói chứ đừng hi vọng họ nhường đường”… là những bình luận của cư dân mạng để lại sau khi chứng kiến những hành vi “kém văn minh” của các lái xe buýt.
Trao đổi với Báo Giao thông, TS. Nguyễn Hữu Đức, nguyên chuyên gia Jica cho rằng, những sự việc liên quan đến hành vi của người điều khiển xe buýt vừa qua một lần nữa khiến dịch vụ vận tải công cộng của Thủ đô mất điểm trong mắt người dân.
“Hà Nội muốn đạt được mục tiêu nâng tỷ lệ hành khách tham gia vận tải công cộng bằng xe buýt lên 25 - 30%, bên cạnh mở rộng mạng lưới, cải thiện chất lượng phương tiện thì việc xây dựng văn hóa đối với những người trực tiếp vận hành dịch vụ này (lái xe, nhân viên bán vé) cũng phải được xem là điều cốt lõi.
Những trường hợp vi phạm đạo đức, gây mất trật tự ATGT làm ảnh hưởng đến cộng đồng cần phải được xử nghiêm. Đối với đơn vị có nhiều nhân viên, lái xe bị phản ánh, xử lý, cơ quan chức năng cũng cần xem xét trách nhiệm liên quan trong việc giám sát, điều hành.
Mức độ xử lý cao nhất là hủy hợp tác, tìm doanh nghiệp, nhà thầu đủ năng lực về hạ tầng phương tiện, đội ngũ nhân viên để vận hành các tuyến buýt, phục vụ người dân một cách tốt nhất, văn minh nhất”, TS. Đức nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận