Xe Limousine Nhật Hồng chạy tuyến Hà Nội - Quảng Ninh thường xuyên đón khách trái phép trước cổng Rạp xiếc Trung ương (Đường Trần Nhân Tông, Hà Nội) - Ảnh: K.Linh |
Đủ lý do kêu khó
Ghi nhận của PV, hiện tình hình vi phạm hoạt động vận tải khách, nhất là tình trạng xe dù, bến cóc diễn biến phức tạp. Tại Hà Nội, từ ngày 10/7, Sở GTVT Hà Nội phải thực hiện điều chỉnh hành trình hoạt động của các tuyến vận tải đang khai thác đi qua đường gom đại lộ Thăng Long có điểm đầu, điểm cuối từ BX Yên Nghĩa đi 9 địa phương gồm: Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Tuyên Quang, Lào Cai để ngăn chặn hiện tượng đón trả khách gây mất trật tự ATGT.
Thông tư số 10/2015 của Bộ GTVT về quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải bằng xe ô tô quy định: Đình chỉ, thu hồi quyền khai thác tuyến 3 tháng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định không cung cấp hoặc cung cấp sai lệch thông tin bắt buộc theo quy định từ thiết bị GSHT của phương tiện hoạt động trên tuyến; không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu truy cập vào cơ sở dữ liệu thiết bị GSHT theo quy định. |
Tại TP HCM, tình trạng bến cóc, xe dù cũng tồn tại nhiều năm nay như thách thức pháp luật. Các cơ quan chức năng đã nhiều lần ra quân dẹp bỏ, nhưng vẫn đâu hoàn đấy, thậm chí càng bành trướng hơn. Nhiều nhà xe không những lập bến cóc đón, trả khách trong nội đô mà còn ngang nhiên tràn lên đường dẫn cao tốc… Đơn cử, nhiều tháng qua, một bến cóc hoạt động nhộn nhịp trên đường dẫn cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây (cao tốc HLD) đoạn trước cầu Bà Dạt thuộc khu vực nút giao An Phú (phường An Phú, quận 2, TP HCM). Việc đón khách ở đây vô cùng nguy hiểm, nhưng các nhà xe vẫn bất chấp gây bức xúc dư luận.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho biết, tính đến nay, toàn quốc có khoảng 800.000 phương tiện vận tải và gần như đều đã lắp thiết bị giám sát hành trình (GSHT). Nếu tính mức giá trung bình hiện nay là 4 triệu đồng/thiết bị, tổng số tiền các doanh nghiệp phải bỏ ra lên đến 3.200 tỷ đồng.
Đáng nói là dữ liệu thiết bị GSHT chưa được khai thác hiệu quả, chưa phát huy tác dụng cho công tác quản lý. Hiệu quả mang lại từ số tiền đầu tư rất lớn của xã hội chưa thấy rõ, chưa áp dụng được vào việc xử lý xe dù, bến cóc, xe trá hình. “Hàng tháng, Tổng cục Đường bộ VN chỉ gửi báo cáo xử lý vi phạm hành trình ở một số thông tin rất đơn giản như: Số lượng xe vi phạm tốc độ và số lượng xe không truyền dữ liệu”, ông Thanh nói.
Hiện theo quy định tại Thông tư 09/2015 của Bộ GTVT, các thông tin từ thiết bị GSHT cập nhật liên tục về hoạt động và lái xe bao gồm: Thông tin về hành trình của xe; tốc độ vận hành của xe; số lần và thời gian xe dừng đỗ; số lần và thời gian đóng, mở cửa xe; thời gian lái xe liên tục, thời gian làm việc của lái xe trong ngày. Nội dung các thông tin, dữ liệu này phải được truyền về Tổng cục Đường bộ VN. Trên cơ sở những dữ liệu này, Sở GTVT các địa phương sẽ tổng hợp để theo dõi, xử lý các đơn vị có tỷ lệ vi phạm lớn về tốc độ, thời gian làm việc của lái xe.
Trước cổng khu du lịch Suối Tiên, TP.HCM thường xuyên xuất hiện xe dù đón khách - Ảnh: Quang Định |
Cần quy chế phối hợp
Ông Nguyễn Nhạc Tân, Chánh Thanh tra Sở GTVT Khánh Hòa cho biết, thiết bị GSHT giúp quản lý vi phạm về trật tự ATGT, đặc biệt là các trường hợp xe chạy tuyến cố định núp bóng xe hợp đồng. Ngoài ra, việc thường xuyên theo dõi thiết bị GSHT từ các xe tuyến cố định cũng giúp lực lượng TTGT phát hiện các địa điểm đón trả khách trái quy định, bến cóc hay chạy không đúng lộ trình.
Tuy nhiên, ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Vận tải Sở GTVT TP HCM cho biết, hiện nay thiết bị GSHT lắp trong ô tô trên địa bàn TP HCM chỉ có thể kiểm tra được tốc độ, xử phạt những xe chạy quá tốc độ quy định. Còn dùng để xử lý vi phạm xe khách, nhất là xe dù, bến cóc rất khó.
Yêu cầu Hà Nội, TP.HCM xử lý vi phạm xe khách Tổng cục Đường bộ VN vừa đề nghị Sở GTVT Hà Nội và Sở GTVT TP HCM phối hợp kiểm tra xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô. Văn bản do bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN ký nêu rõ, Sở GTVT Hà Nội, TP HCM cần chủ trì xây dựng kế hoạch cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các phương tiện vận tải hành khách trá hình bằng tuyến cố định, xe hợp đồng, các tụ điểm bến cóc, xe dù. Tổng cục Đường bộ VN sẽ cử lực lượng thanh tra giao thông phối hợp triển khai. L.Tươi |
“Thiết bị GSHT khi kiểm tra chưa chuẩn, dữ liệu bị lệch, không khớp. Điều này có thể do sự can thiệp của con người, hoặc do dữ liệu đường truyền bị chập chờn. Khi lực lượng chức năng kiểm tra, nhiều nhà xe tắt ăng ten hoặc tắt luôn thiết bị. Đó là chưa kể những doanh nghiệp không hợp tác lắp thiết bị kiểu chống đối không hợp chuẩn, kém chất lượng”, ông Hải nói.
Liên quan đến việc xử lý vi phạm xe khách, nhất là xe dù, bến cóc qua thiết bị GSHT, theo lãnh đạo Phòng Quản lý vận tải và phương tiện người lái, Sở GTVT Quảng Trị, hiện thiết bị GSHT lắp trên phương tiện xe khách do Tổng cục Đường bộ VN giám sát và xử lý, chưa có quy chế phối hợp giữa ngành Giao thông và Công an để trao đổi thông tin và đề nghị CSGT xử phạt hành vi vi phạm.
Theo Thượng tá Nguyễn Năng Điền, Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Trị, để xử phạt phải có quy chế phối hợp, đồng thời quy định thiết bị GSHT trở thành một thiết bị ghi nhận vi phạm qua hình ảnh của CSGT, đầy đủ cơ sở pháp lý thì chuyển qua CSGT xử phạt mới được.
Để xử lý vi phạm của những xe khách nhất là xe dù, theo ông Đỗ Ngọc Hải, cần phải có nhiều giải pháp. Nếu xe khách chỉ lắp thiết bị GSHT thôi chưa đủ cần phải lắp thêm camera kết hợp với phạt nguội. Sắp tới, Sở GTVT sẽ đề xuất lắp thêm camera ở những tuyến đường trọng điểm để lưu lại hình ảnh những xe vi phạm.
Nêu ra một số hạn chế của thiết bị GSHT, ông Nguyễn Quốc Mạnh, Giám đốc Công ty CP Vận tải ô tô Điện Biên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Điện Biên cho rằng, cần xem xét lại việc quản lý nhà nước qua thiết bị GSHT. Vì sau 1 tháng, lái xe vi phạm mới nhận được thông báo và chế tài xử phạt hiệu quả không cao, thậm chí nảy sinh phản ứng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận