Xử phạt nhiều trường hợp vi phạm
Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Đồng Tháp cho biết, đoàn đã kiểm tra 74 trường hợp, trong đó, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 14 trường hợp, với tổng số tiền gần 57 triệu đồng. Đồng thời, lập biên bản làm việc 12 trường hợp vi phạm và yêu cầu ngưng hoạt động hai vị trí lên xuống hàng hóa.
Cụ thể, đối với bến khách, phương tiện chở khách ngang sông, đoàn đã kiểm tra 49 bến, 78 đầu bến và 52 phương tiện chở khách. Qua kiểm tra phát hiện và lập biên bản 4 trường hợp vi phạm, xử phạt với số tiền hơn 17 triệu đồng.
Lập biên bản làm việc một trường hợp phương tiện vận chuyển hành khách vi phạm liên quan đến không có giấy chứng nhận đăng kiểm phương tiện thủy nội địa và người điều khiển phương tiện giấy chứng nhận thuyền trưởng đã hết hạn.
Ngoài ra, đoàn cũng đã kiểm tra và xử lý theo quy định đối với bến hàng hóa, khu vực neo đậu, vị trí lên xuống hàng hóa và phương tiện chở hàng hóa, phương tiện phục vụ khách du lịch.
Cụ thể, trong đợt II, đoàn đã kiểm tra 6 bến thủy nội địa, lập biên bản làm việc 6 bến, trong đó có hai bến giấy phép bến thủy nội địa đã hết hạn. Đối với hai bến này, đoàn công tác đã yêu cầu tạm ngưng tiếp nhận phương tiện để xếp dỡ hàng hóa đến khi có quyết định công bố gia hạn lại bến thủy nội địa.
Bên cạnh đó, đoàn cũng đã kiểm tra 10 vị trí lên xuống hàng hoá, lập biên bản làm việc 10 trường hợp và yêu cầu chủ các vị trí này không được tổ chức cho phương tiện vào để xếp dỡ hàng hóa.
Đồng thời, lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra hai khu neo đậu không có văn bản thoả thuận thiết lập nơi neo đậu và hai phạm vi vùng nước cảng biển tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Thường Phước.
Đoàn đã lập 4 biên bản làm việc giao cho Cảng vụ Hàng hải phối hợp Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Thường Phước và Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) hướng dẫn, tổ chức và sắp xếp quản lý theo quy định.
Ổn định trật tự ATGT đường thủy nội địa
Theo đánh giá của đoàn công tác, việc quản lý nhà nước trên lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, nhất là hoạt động kinh doanh, vận tải hàng hóa của các bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh luôn được các ngành chức năng và chính quyền địa phương quan tâm.
Từ đó, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp mở bến thủy hoạt động, sản xuất kinh doanh thuận tiện, đảm bảo đúng quy định pháp luật, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Trong công tác phối hợp liên ngành luôn được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo các đơn vị thành viên, tạo điều kiện về thời gian, phương tiện, kinh phí để đoàn thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Từng thành viên trong đoàn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, đảm bảo được thời gian, nội dung như kế hoạch đã đề ra.
Kết quả phối hợp kiểm tra, xử lý, tuyên truyền, nhắc nhở đã tác động mạnh đến ý thức tự giác chấp hành pháp luật về giao thông đường thủy nội địa của tổ chức và cá nhân, góp phần ổn định tình hình trật tự ATGT đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, công tác kiểm định các thiết bị xếp dỡ hàng hóa đang hoạt động tại một số bến thủy nội địa hoặc trên phương tiện thủy nội địa được kiểm định bởi một số tổ chức kiểm định chưa được cấp phép phù hợp theo Nghị định sổ 44/2016-NÐ-CP, ngày 15/5/2016.
Các bến thủy nội địa không phép tồn tại qua nhiều đợt kiểm tra liên ngành, đoàn không tái kiểm tra hết được do thời gian có hạn, chỉ nắm bắt thông tỉn và số liệu qua cảng vụ phụ trách địa bàn cung cấp.
Do vậy, nhằm đảm bảo ATGT đường thủy nội địa, Đoàn Liên ngành đề nghị Sở GTVT tiếp tục chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa theo quy định của pháp luật.
Công an tỉnh tiếp tục tăng cường chi đạo lực lượng công an cấp huyện phối hợp các ngành chức năng ở địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa theo phân cấp.
Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự ATGT, quy định về bến thủy nội địa theo quy định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận