Nỗi lo của người dân
Theo Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông quy định: Từ ngày 1/1/2008, đình chỉ lưu hành ô tô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu xử lý bán phế liệu, sung vào công quỹ.
Đồng thời, Nghị quyết cũng nêu rõ là đình chỉ hoạt động các cơ sở lắp ráp, tự chế các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và đường thủy nội địa trái phép, nếu cố tình vi phạm có thể tịch thu trang thiết bị trực tiếp sản xuất của cơ sở đó.
Ông Đặng Thanh Sang, Phó giám đốc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp kỹ thuật giao thông tỉnh Đồng Tháp cho biết, khoảng năm 2005, cơ quan chức năng cho nhập xe ba gác Hoa Lâm thực hiện thí điểm trước khi bỏ các loại xe 3, 4 bánh tự chế.
Tuy nhiên, sau đó, việc nhập xe Hoa Lâm cũng tiềm ẩn nhiều mối nguy do mất an toàn giao thông (ATGT), do vậy, cơ quan chức năng cũng ngưng thực hiện việc này với mục đích hạn chế tai nạn giao thông (TNGT).
Từ năm 2008, đối với những trường hợp trước đó được đào tạo giấy phép lái xe hạng A3 để phục vụ cho việc lái xe 3, 4 bánh tự chế sẽ được hỗ trợ học chuyển đổi sang bằng lái ô tô.
Và cũng từ đó cho đến nay, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp kỹ thuật giao thông tỉnh Đồng Tháp và nhiều trường dạy lái xe khác cũng không được cấp giấy phép đào tạo lái xe hạng A3.
Như vậy, với những cứ liệu vừa nêu, việc xe ba gác và xe 3, 4 bánh tự chế ngang nhiên lưu thông trên đường luôn tiềm ẩn nhiều mối nguy mất ATGT, làm người dân vô cùng lo lắng.
Anh Hiền (40 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Tháp) cho biết: "Xe ba gác và xe 3, 4 bánh tự chế hiện chạy ngoài đường rất nhiều. Do vậy, khi di chuyển, gặp những phương tiện này lưu thông tôi thường cảnh giác để đảm bảo an toàn".
"Bây giờ mà đi ra đường, thấy xe ba gác và xe 3, 4 bánh tự chế chạy chở đồ là tôi tránh ra xa. Bởi ngoài chạy nhanh, các tài xế lái xe này còn chở nhiều vật dụng cồng kềnh, thấy lo vì rất nguy hiểm", chị Ngọc (36 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Tháp) lo lắng nói.
Tăng cường xử lý vi phạm
Theo quy định, xe ba gác, trong giấy ghi là xe mô tô ba bánh. Tuy nhiên, khi xe này lưu thông trên đường lại được quy định là ô tô con do kích thước to tương tự như ô tô.
Đặc biệt, người điều khiển phương tiện này phải có giấy phép lái xe hạng A3. Điều này cho thấy, ngoài những quy định cần phải tuân thủ, người lái xe ba gác cần phải có đủ kỹ năng lái xe mới đảm bảo an toàn cho mình và những người cùng tham gia giao thông.
Tuy nhiên, trong đợt tuần tra, kiểm soát và xử lý theo quy định mới đây, Công an thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp) đã kiểm tra 19 xa ba gác và xe 3, 4 bánh tự chế. Tại thời điểm kiểm tra, có 16 trường hợp không xuất trình được giấy đăng ký xe. Đối với các trường hợp này, lực lượng chức năng lập biên bản tạm giữ phương tiện.
Lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết, lực lượng chức năng đang ra quân thực hiện đợt cao điểm xử lý vi phạm liên quan đến xe ba gác và xe 3, 4 bánh tự chế trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, từ ngày 15/9 tới nay, sau nhiều đợt tuần tra, kiểm soát, lực lượng chức năng phát hiện và xử lý 157 trường hợp vi phạm do không có giấy đăng ký xe hoặc người lái xe không có giấy phép lái xe theo quy định.
"Hiện tại, cơ quan chức năng đang tạm giữ 20 chiếc xe ba gác và xe 3, 4 bánh tự chế vi phạm. Thời gian tới, lực lượng chức năng tiếp tục ra quân xử lý tiếp vấn đề này nhằm hạn chế TNGT liên quan đến xe ba gác và xe 3, 4 bánh tự chế theo quy định", lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận