Chú trọng xử lý vi phạm nồng độ cồn
Theo ông Lê Kim Thành - Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, từ đầu năm đến nay, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) ở tỉnh Đồng Tháp nhận được quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh và sự vào cuộc quyết liệt của các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, chính quyền địa phương.
Nhiều văn bản chỉ đạo của Ban bí thư, Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia đã được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, Ban ATGT tỉnh và các ngành chức năng của địa phương quan tâm, chủ động triển khai thực hiện. Đặc biệt, nhiều nội dung khó khăn, vướng mắc trước đây đã được chỉ đạo giải quyết kịp thời như xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT…
Việc phối hợp trong giải quyết, giải tỏa các vi phạm về kết cấu hạ tầng, hành lang an toàn giao thông và công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị ngoài tỉnh với cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng của tỉnh được thường xuyên, chặt chẽ…
Bên cạnh đó, công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm được thực hiện nghiêm túc, nhất là vi phạm về nồng độ cồn, chở hàng quá tải, chạy quá tốc độ quy định, không đội mũ bảo hiểm…
Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật được các Sở, ngành, cơ quan thành viên Ban ATGT tỉnh, Ban ATGT các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên phối hợp với các cơ quan báo, đài của tỉnh và các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương đóng trên địa bàn.
Tăng cường các biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông đường bộ sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, công chức, đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên và quần chúng nhân dân với nhiều nội dung, hình thức phong phú, thiết thực.
Đồng thời, kết hợp phát tờ rơi, pano, áp phích, cẩm nang và lắp đặt khẩu hiệu tuyên truyền bằng hình ảnh trực quan, gắn với hướng dẫn các biện pháp phòng tránh tai nạn giao thông đường bộ, cảnh báo nguy hiểm về việc không đội mũ bảo hiểm, chạy quá tốc độ, điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu bia.
Gia tăng tỷ lệ TNGT
Cũng theo ông Thành, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm TTATGT của tỉnh Đồng Tháp thời gian qua còn một số hạn chế.
Cụ thể là TNGT đường bộ trong tháng 6 đầu năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 146 vụ, làm chết 112 người, 62 người bị thương, so sánh với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2023, số vụ và số người chết tăng trên 5%.
Đặc biệt, số vụ tai nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ chiếm tỷ lệ cao rất cao (68,4%) trên tổng số vụ TNGT, trong đó trên quốc lộ là 59 vụ, (40,4%) và tỉnh lộ là 41 vụ (28%).
Kết cấu hạ tầng giao thông mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Đặc biệt, nhiều tuyến quốc lộ đối ngoại huyết mạch chỉ có 2 làn xe, chưa có làn đường riêng dành cho xe thô sơ và xe gắn máy.
Lưu lượng, mật độ phương tiện trên các tuyến QL30, QL54, QL80 và QLN2 và N2B tăng cao. Việc các phương tiện thô sơ, xe gắn máy phải di chuyển chung với các loại xe ô tô tải trọng lớn, tốc độ cao trên cùng một làn đường tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.
Tình trạng chiếm dụng, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để bày bán hàng hóa diễn ra phổ biến ở QL, đường tỉnh.
Nhiều công trình, mái che, lều quán do người dân xây dựng, lắp đặt trên phạm vi hành lang giao thông làm che khuất tầm nhìn, đèn tín hiệu, biển báo hiệu gây mất trật tự ATGT, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị là một trong những nguyên nhân gây mất an toàn giao thông, dẫn đến tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh.
Về ý thức chấp hành các quy định về ATGT của một số người tham gia giao thông còn thấp mang tính chất đối phó. Các vụ TNGT xảy ra phần lớn đều do tính chủ quan, điều khiển phương tiện khi đi không đúng phần đường, không chú ý quan sát, tránh vượt không đúng quy định, chuyển hướng không đúng quy định…
Tăng cường phạt nguội hành vi vi phạm ATGT
Trước những hạn chế để xảy ra nhiều vụ TNGT trong những tháng đầu năm 2024, ông Lê Kim Thành - Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia chỉ đạo tỉnh Đồng Tháp tăng cường rà soát, điều chỉnh phương án tổ chức giao thông, bổ sung biển báo, thiết bị báo hiệu đường bộ.
Ưu tiên sử dụng nguồn kinh phí bảo trì đường bộ để khắc phục các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, cảnh báo nguy hiểm từ đường phụ ra đường chính, tại nút giao cắt giữa các tuyến đường đồng cấp và không đồng cấp.
Lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ, lề đường/vỉa hè. Phối hợp với Khu quản lý đường bộ 4 thực hiện việc giải tỏa hành lang, bổ sung biển báo hiệu đường bộ, gờ giảm tốc, lắp đặt đèn tín hiệu giao thông tại các khu vực đường hẹp, đường cong, khu vực chợ, trường học.
Chỉ đạo, hướng dẫn chính quyền các cấp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý chuyên ngành chủ động rà soát quy hoạch, tham mưu điều chỉnh phù hợp. Quyết liệt xử lý nghiêm các vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường thủy nội địa.
Tăng cường kiểm tra, quản lý việc cấp phép, gia hạn cấp phép đối với bến, cảng thủy nội địa, xếp hàng, chất hàng, bốc dỡ và xe ra vào cảng, bến. Kiểm tra chấp hành các quy định về bảo đảm TTATGT đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ, đường thủy nội địa trên địa bàn.
Chỉ đạo chính quyền cơ sở phối hợp với nhà trường khảo sát tổ chức giao thông khu vực xung quanh trường học tạo thuận lợi, an toàn cho học sinh. Thường xuyên kiểm tra, đảm bảo không để trường hợp học sinh điều khiển phương tiện khi không đủ tuổi, không có giấy phép lái xe theo quy định.
Ưu tiên kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy khi lái xe, đặc biệt là những hành vi phạm quy định về tốc độ, tránh vượt sai quy định, đi sai phần đường làn đường, vượt đèn đỏ và chở hàng hóa quá tải trọng quy định của phương tiện và cầu đường.
Tăng cường xử phạt nguội đối với các hành vi vi phạm liên quan tới người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và xử lý trách nhiệm của người giao xe cho trẻ em điều khiển khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận