Tỉnh Đồng Nai đã thực hiện nhiều giải pháp kéo giảm sâu TNGT đường sắt trong năm 2018. (Trong ảnh: một đoạn hàng rào hộ lan ngăn cách đường sắt và đường bộ qua TP Biên Hòa |
Theo Ban ATGT tỉnh Đồng Nai trong năm 2018, đã làm hơn 5,75 km lối đi tạm trong hành lang đường sắt, hoàn thành lắp đặt 11,9 km hàng rào tôn sóng. Tiếp tục tổ chức người gác cảnh giới tại 11 vị trí, duy trì bảo vệ 52 vị trí đã rào xóa bỏ, 3 vị trí rào thu hẹp; lắp đặt gờ giảm tốc tại 24 đường ngang, gồ giảm tốc tại 4 vị trí. Lắp đặt đèn cảnh báo chớp vàng tại các vị trí cảnh giới nhằm tăng tính an toàn và khả năng quan sát của người tham gia giao thông; rà soát và bổ sung đầy đủ các biển báo cảnh báo tại các lối đi tự mở đã thu hẹp.
Tại Hội nghị tổng kết công tác bảo đảm trật tự ATGT năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 và kế hoạch phục vụ vận chuyển khách dịp Tết Nguyên đán 2019 mới đây, ông Trịnh Tuấn Liêm, Giám đốc Sở GTVT, Phó ban thường trực Ban ATGT tỉnh Đồng Nai cho biết: trong năm 2018 UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh và Sở GTVT đã thường xuyên triển khai nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, lối đi tự mở, xử lý tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt. Phối hợp với ngành đường sắt và các địa phương có tuyến đường sắt đi qua tiếp tục rà soát các vị trí lối đi tự mở và hành lang ATGT đường sắt cần thiết lắp đặt hàng rào hộ lan; kiểm tra tình hình trật tự ATGT tại các lối đi tự mở đã được rào xóa bỏ, các vị trí hàng rào hộ lan bảo vệ hàng lang an toàn đường sắt.
Tuy nhiên, đến nay công tác theo dõi và xử lý triệt để tình trạng người dân xây dựng công trình trái phép, lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt chưa được các địa phương có tuyến đường sắt đi qua quan tâm đúng mức, còn chậm trễ.
Một điểm giao cắt đường sắt có người cảnh giới trên địa bàn TP Biên Hòa |
Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh tình trạng lấn chiếm hành lang đường sắt vẫn diễn ra phổ biến khi phát hiện công trình đang thi công thì không có biện pháp quyết liệt để ngăn chặn, chỉ dừng lại ở bước lập biên bản vi phạm dẫn đến sau đó công trình được xây dựng hoàn thành. Tại các Hội nghị sơ kết ATGT UBND tỉnh và Ban ATGT tỉnh đã yêu cầu các địa phương xử lý và báo cáo kết quả nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện triệt để. Cụ thể như: huyện Xuân Lộc, thị xã Long Khánh, Trảng Bom, Thống Nhất và TP Biên Hòa.
Theo thống kê của Ban ATGT tỉnh Đồng Nai trong năm 2018, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 347 vụ tai nạn giao thông làm chết 260 người và bị thương 214 người. So với cùng kỳ giảm 40 vụ, giảm 27 người chết và giảm 47 người bị thương. Xảy ra 4 vụ TNGT đường sắt, làm chết 04 người. So với cùng kỳ năm 2017 giảm 5 vụ (-85,7%), giảm 6 người chết (-85,7%) và giảm 8 người bị thương (-100%).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận