Ngày 11/10, Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã triển khai giám sát đối với UBND tỉnh Đồng Nai trong việc triển khai chính sách, pháp luật về đầu tư, xây dựng các công trình, dự án trọng điểm của địa phương.
Bên cạnh đó, kiểm tra việc đầu tư khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) giai đoạn 2019-2024.
Tại buổi giám sát, lãnh đạo Sở GTVT đã báo cáo về tình hình triển khai 12 dự án, công trình trọng điểm của tỉnh. Tuy nhiên đa số các dự án này đều đang chậm tiến độ, nguyên nhân là do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.
Còn các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT giai đoạn 2019-2023 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện 3 dự án với tổng giá trị gần 2.300 tỷ đồng. Trong đó, 2 dự án đã đưa vào vận hành thu phí bao gồm đường chuyên dùng vận chuyển vật liệu xây dựng và đường 319 nối dài với nút giao với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Ngoài ra còn có dự án đường kết nối ra cảng Phước An dự kiến đưa vào vận hành khai thác trong quý I/2025 cũng sẽ đưa vào thu phí.
Theo Sở GTVT, các dự án BOT đã góp phần rất lớn trong việc giảm áp lực cho nguồn vốn đầu tư công cho lĩnh vực giao thông. Nhưng thực tế, quá trình triển khai vẫn tồn tại những hạn chế, bất cập.
Nguyên nhân là do đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) là phương thức mới, phức tạp trong khi các cơ quan quản lý còn ít kinh nghiệm. Quy định pháp luật giai đoạn này đối với các dự án BOT chưa lường trước các tác động với người dân, doanh nghiệp…
Ông Quản Minh Cường, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho rằng, các công trình này khi hoàn thành sẽ giúp cho nền kinh tế của tỉnh phát triển. Theo ông Cường, hiện nay, hầu hết các công trình, dự án đều gặp khó khăn do công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng chậm vì không có đủ các khu tái định cư bố trí cho người dân.
Ông Cường đề nghị, các địa phương phải có kế hoạch lâu dài trong việc quy hoạch xây dựng các khu tái định cư vì các dự án đều đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn thì phải tính toán để triển khai ngay việc quy hoạch xây dựng các khu tái định cư.
"Các đơn vị cần chủ động đối với các dự án xây dựng các khu tái định cư. Theo báo cáo hiện nhu cầu xây dựng các khu tái định cư cần khoảng 150ha đất. Không thể có chuyện một tỉnh có diện tích hơn gần 6.000km2 đất mà không có 150ha làm tái định cư. Đoàn sẽ ghi nhận tất cả các ý kiến của những đơn vị liên quan và kiến nghị lên cơ quan có chức năng để giải quyết", ông Cường nói.
Cũng trong ngày, đoàn giám sát đã khảo sát thực tế dự án BOT đường tỉnh 768 và dự án đường trục trung tâm thành phố Biên Hòa.
Qua kiểm tra thực tế đường Hoàng Văn Bổn, hạng mục thuộc BOT đường tỉnh 768, đoàn đã yêu cầu Sở GTVT và các đơn vị liên quan thực hiện ngay việc cấm các xe tải trên 5 tấn lưu thông trong giờ cao điểm để sửa tuyến đường này.
Khung giờ cấm được đề nghị thực hiện là từ 6h đến khoảng 21h cùng ngày. Đồng thời, các đơn vị liên quan cũng thực hiện thông báo để người dân, người điều khiển các phương tiện biết và nắm bắt thông tin.
Ngoài ra Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Đồng Nai còn đề nghị Công an tỉnh Đồng Nai bố trí 2 đội Cảnh sát giao thông kiểm tra việc chấp hành của người điều khiển phương tiện.
Trong tuần đầu thực hiện, không được xử phạt mà chỉ hướng dẫn, nhắc nhở người điều khiển phương tiện vi phạm vì có thể thời điểm này người điều khiển chưa nắm bắt được thông tin. Sau đó sẽ xử phạt đối với các phương tiện vi phạm.
Cùng với đó, đoàn Đại biểu Quốc hội còn đề nghị Công ty CP Sonadezi Châu Đức, chủ đầu tư dự án đẩy nhanh tiến độ sửa chữa tuyến đường Hoàng Văn Bổn. Cố gắng hoàn thành trong 4-5 ngày tới để đảm bảo an toàn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận