Tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn ở Đồng Nai |
Vụ tai nạn đường sắt xảy ra chiều 17/5 tại xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) khiến lái tàu Đặng Quang Hiển bị thương nặng là hồi chuông báo động về tai nạn đường sắt xảy ra gần đây trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Vô tư lấn chiếm hành lang đường sắt
Tình trạng chiếm dụng hành lang an toàn đường sắt để làm nhà, kinh doanh trên tuyến đường sắt qua Đồng Nai diễn ra khá phổ biến, tiềm ẩn TNGT trong thời gian dài nhưng chưa được xử lý triệt để.
Như Báo Giao thông đã phản ánh, khoảng 14h chiều 17/5 đoàn tàu D19E-931 thuộc Xí nghiệp đầu máy Sài Gòn do lái tàu Đặng Quang Hiển (30 tuổi) điều khiển chạy theo hướng Bắc - Nam, khi đến ấp Thọ Trung, xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc thì bất ngờ bị xe tải BKS 60L-5557 cố vượt qua đường ngang rồi húc vào đoàn tàu. Lái tàu bị gãy cả hai chân, dính chặt trong buồng lái. Lực lượng cứu hộ phải dùng đến mỏ hàn để cắt sắt, giải cứu và chuyển đến bệnh viện trong tình trạng nguy kịch. Do bị thương nặng, sáng 18/5, anh Đặng Quang Hiển được chuyển lên BV Chợ Rẫy (TP HCM) chữa trị.
Xe tải hết hạn kiểm định Theo báo cáo của Cục Đăng kiểm VN gửi Bộ trưởng Bộ GTVT, chiếc xe tải BKS 60L-5557 trong vụ tai nạn với tàu hỏa đã quá hạn kiểm định an toàn kỹ thuật 27 tháng và không đủ điều kiện an toàn kỹ thuật để tham gia giao thông. Cụ thể, dữ liệu kiểm định cho thấy, xe 60L-5557 là loại xe tải tự đổ, nhãn hiệu Hyundai, sản xuất năm 1992 tại Hàn Quốc. Chủ xe là Trần Văn Hùng, địa chỉ: 17/3D Phát Hải, Gia Kiệm, Thống Nhất, Đồng Nai. Xe được kiểm định lần gần nhất vào ngày 15/10/2012 tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 6002S-Đồng Nai và có hạn kiểm định lần tiếp theo là 15/1/2013. Tuy vậy, từ tháng 1/2013 đến nay, phương tiện vẫn chưa có chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật theo quy định. Huy Lộc |
Sáng 18/5, PV Báo Giao thông đã có mặt tại đường ngang dân sinh Km1692+305 (phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa) nơi vào cuối tháng 4 đã xảy ra vụ TNGT thảm khốc giữa xe máy và tàu hỏa khiến hai bà cháu tử vong tại chỗ. Do nơi đây có trường tiểu học và một trường cao đẳng nghề nên mật độ xe máy hướng từ QL1 rẽ vào trung tâm TP Biên Hòa rất đông. Tuy nhiên, do không có người điều tiết giao thông nên vào giờ cao điểm tình trạng mạnh ai nấy vượt rất nguy hiểm.
Theo quan sát của PV trên đường Điểu Xiển hướng từ QL1 đến ga Hố Nai (Biên Hòa), dù ngành Đường sắt và chính quyền địa phương đã cắm biển cấm buôn bán, xây dựng lấn chiếm trong khu vực hành lang đường sắt, nhưng nhiều trường hợp người dân vẫn cố tình vi phạm. Dọc tuyến đường này, nhiều người dân vô tư băng ngang đi lại trên đường ray xe lửa. Thậm chí nhiều nơi, các hộ dân còn bắc thang lên xuống tường rào để… tiện băng ngang đường sắt, bất chấp nguy hiểm khi tàu bất ngờ đến.
Tại đoạn gần ga Hố Nai qua các phường Long Bình, Tân Biên (TP Biên Hòa) và xã Hố Nai (huyện Trảng Bom), tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt xảy ra nghiêm trọng không kém khi nhiều hộ dân mở quán nhậu, bán nước giải khát dựng nhà tạm để ở; tập kết gỗ lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt. Tương tự, tại điểm giao cắt giữa đường sắt với đường bộ dân sinh Yên Thế (Km 1684+780, xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom), không những hàng quán mà thậm chí cả một khu chợ đã hình thành, nhộn nhịp hoạt động ngay sát đường sắt.
Anh Nguyễn Văn Lâm, một tài xế xe tải thường xuyên lưu thông qua đoạn đường này nói: “Vào giờ cao điểm, người bán lẫn người mua tràn xuống lòng đường khiến các phương tiện lưu thông phải vất vả né tránh mới qua được điểm giao cắt này. Do hàng quán, nhà cửa đã che khuất tầm nhìn nên người đi đường không phát hiện được xe lửa từ xa để phòng tránh. Nếu sự cố xảy ra đúng vào thời điểm xe lửa chạy qua thì hậu quả thật khó lường”.
Giải pháp nào?
Theo thống kê của Công ty QLĐS Sài Gòn, quý I/2015, trên địa bàn Đồng Nai xảy ra 6 vụ làm chết hai người, hai người bị thương. Dù số vụ tai nạn đường sắt có giảm và chiếm tỉ lệ nhỏ so với tổng số vụ TNGT, nhưng đây vẫn là một trong những địa phương có số vụ tai nạn đường sắt cao trong cả nước.
Ngày 18/5, trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Đình Đảng, PGĐ công ty QLĐS Sài Gòn cho biết, năm 2014 ngành Đường sắt đã xây dựng 9,2km hàng rào, đường gom; rào thu hẹp 50 lối đi dân sinh, dựng biển báo phụ sửa chữa mặt đường trong phạm vi đường ngang, cử người cảnh giới các đường ngang giao thông phức tạp… tuy nhiên tình hình vẫn không được cải thiện. Tại những lối đi dân sinh đã được rào và thu hẹp, cắm biển cảnh báo “Chú ý tàu hỏa”, do thói quen, người dân vẫn lưu thông băng qua đường sắt không chú ý quan sát nên nguy cơ TNGT vẫn thường trực.
Khắc phục tình trạng trên, ông Đảng cho biết, công ty đã đề nghị Ban ATGT, Sở GTVT Đồng Nai chỉ đạo các địa phương tổ chức chốt gác hoặc cảnh giới tại 8 vị trí có nguy cơ cao xảy ra tai nạn (8/60 đường ngang dân sinh). Đối với tình trạng chợ họp trên đường sắt xã Hố Nai 3 (nơi từng xảy ra 2 vụ TNGT đường sắt), đơn vị cũng đề nghị chính quyền địa phương cắm biển xe lưu thông một chiều đoạn đường bộ này để tránh xung đột giao thông.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận