CSGT kiểm tra nồng độ cồn “siêu nhanh” |
Cấp huyện cũng được trang bị máy thổi
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, để ngăn chặn TNGT liên quan đến vi phạm nồng độ cồn và tạo được sự đồng thuận trong xã hội, tới đây Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ mở ba cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn trên toàn quốc. Đợt 1 từ 15 - 31/12/2014, đợt 2 từ 15 - 31/1/2015 và đợt 3 từ 15 - 28/2/2015. Thông điệp của đợt cao điểm xử phạt này là: “Tính mạng con người là trên hết” và “Đã uống rượu, bia - Không tham gia giao thông”.
Theo ông Hùng, mục tiêu các lực lượng hướng tới trong đợt này không phải là xử phạt mà tuyên truyền vận động là chính. Sau khi kết thúc cao điểm đầu tiên, Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ tiến hành tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm cho đợt tiếp theo. Việc tuần tra, kiểm soát sẽ được tổ chức theo kế hoạch thường xuyên của lực lượng CSGT, trong đó phải kiểm tra các trường hợp nghi sử dụng rượu, bia.
Hôm nay (3/12), Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức họp báo giới thiệu và triển khai kế hoạch “Kiểm soát, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ cuối năm 2014 và Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015”. |
Đại tá Nguyễn Hữu Dánh, Phó Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt cho biết, trên cơ sở kế hoạch của Ủy ban ATGT Quốc gia, Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt đã tăng cường và huy động lực lượng, thiết bị kỹ thuật cho các địa phương. CSGT sẽ sử dụng triệt để việc áp dụng tính năng của các thiết bị, kỹ thuật vào trong công tác tuần tra kiểm soát, ngăn ngừa và xử lý vi phạm. Nhiều tuyến quốc lộ trọng điểm như: QL1, 3, 5, 18, 51... sẽ là trọng điểm tuần tra xử lý trong đợt này.
Theo ông Dánh, với địa bàn nông thôn, CSGT cấp huyện sẽ được cấp máy đo nồng độ cồn (dạng ngậm thổi) và sẽ tiến hành kiểm tra xử lý vi phạm nhằm hạn chế tối đa các vụ TNGT có nguyên nhân từ rượu, bia nơi mà người dân sử dụng khá phổ biến, đặc biệt là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Áp dụng đại trà kiểm tra nồng độ cồn “siêu nhanh”
Một điểm đáng lưu ý là trong đợt này, phương pháp kiểm tra nồng độ cồn “siêu nhanh” sẽ được Ủy ban ATGT Quốc gia khuyến khích áp dụng đại trà. Phương pháp này có ưu điểm lớn là trên một tuyến đường, có thể giám sát được 100% người tham gia giao thông. Người tham gia giao thông vẫn ngồi trên xe và thở qua một thiết bị phát hiện nồng độ cồn, nếu không vi phạm, người điều khiển phương tiện tiếp tục đi, CSGT xin lỗi vì đã làm phiền. Còn khi phát hiện vi phạm, CSGT sẽ yêu cầu xuống xe và xe được đưa về nơi xử lý, cùng lúc đó người vi phạm sẽ được đo cụ thể vi phạm đến mức độ nào.
Đại tá Đinh Văn Ninh - Trưởng Phòng CSGT Công an an tỉnh Ninh Bình cho biết, kế hoạch xử lý vi phạm nồng độ cồn địa phương đã nắm được. “Chúng tôi hiện nay có gần 20 chiếc máy đo nồng độ cồn, được trang bị đến cấp huyện. Riêng máy phát hiện nồng độ cồn “siêu nhanh”, tỉnh đã được trang bị 2 chiếc và đã sẵn sàng ra quân xử lý”.
Thượng tá Phạm Hải, Phó trưởng Phòng CSGT công an TP Hải Phòng cho rằng, hiện nay ở đường đô thị làm tương đối chặt chẽ, chỉ tuyến huyện là thiếu thiết bị vì địa bàn rộng, mà vi phạm ở nông thôn cũng khá nhiều. Do đó nếu CSGT huyện cũng được trang cấp thiết bị kiểm tra nồng độ cồn “siêu nhanh” sẽ rất thuận lợi cho việc tuần tra, xử lý. Các lực lượng có thể khép kín địa bàn và ngăn chặn được vi phạm từ vùng lõi.
Theo Đại tá Nguyễn Hữu Dánh, để chuẩn bị cho việc triển khai nhân rộng phương pháp kiểm tra nồng độ cồn “siêu nhanh”, công tác tập huấn quy trình xử lý vi phạm cho CSGT các địa phương gần như hoàn thành. “Vướng nhất hiện nay là chúng tôi mới tổ chức tập huấn được cho các đội của Phòng CSGT, còn cấp huyện thì chưa làm được vì còn thiếu trang thiết bị”.
Liên quan đến vấn đề này, ông Khuất Việt Hùng cho biết, Ủy ban ATGT Quốc gia đã có kế hoạch trang cấp thêm cho mỗi địa phương hai bộ máy đo nồng độ cồn “siêu nhanh” để đảm bảo triển khai thực hiện một cách hiệu quả nhất.
Khánh Hà
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận