Đò chở khách ở bến Lĩnh Nam - Kim Lan vẫn để khách vô tư không mặc áo phao khi qua sông |
Trên nhiều chuyến đò, tìm mỏi mắt cũng không thấy bất cứ một chiếc áo phao nào. Hy hữu lắm mới có chuyến đò trang bị áo phao nhưng chỉ là hình thức đối phó với vài chiếc áo cũ, bẩn, mốc meo… không ai dám mặc.
“Áo phao bẩn thế kia…”
Trưa 24/3, chiếc đò rời bến đò Lĩnh Nam - Kim Lan (quận Hoàng Mai, Hà Nội với hơn chục hành khách cùng xe máy, xe đạp, thúng, sọt… Chủ đò là một phụ nữ trung niên, đội lụp xụp một chiếc nón cũ lần lượt đi tới từng người để thu tiền của khách. Theo quan sát của PV Báo Giao thông, trên đò có khoảng 5 chiếc áo phao cáu bẩn, cũ kỹ, phủ đầy bụi treo trên mũi đò, gần khu vực “buồng lái”, nhưng tuyệt nhiên không một hành khách nào động đến, chủ đò cũng không hề nhắc nhở.
Theo Nghị định 123 của Chính phủ về “Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa”, từ ngày 1/7/2016, tất cả các phương tiện chở khách ngang sông (đò, phà) phải trang bị áo phao cho khách. Những trường hợp chủ phương tiện và hành khách không trang bị áo phao đều bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 50-100 nghìn đồng/hành khách và từ 100-200 nghìn đồng/phương tiện chở đến 12 khách. |
Nhìn vào tấm biển đỏ treo ngay trên khu vực buồng lái với dòng chữ trắng “Yêu cầu khách đò mặc áo phao an toàn”, tôi hỏi vài hành khách: “Nội quy thế mà sao không ai mặc áo phao nhỉ?”. Cả đò quay lại nhìn tôi ngạc nhiên: “Lần đầu tiên đi đò hả? Áo phao bẩn thế kia, ai mặc. Đi đò cả chục năm nay, có thấy ai kiểm tra đâu”. Chủ đò thấy tôi có vẻ tò mò, liền nói sẵng: “Áo phao đấy, cậu thích thì lấy mà mặc vào”.
Sau gần chục phút di chuyển, đò cập bờ bên kia (thuộc địa phận xã Kim Lan, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội), chủ đò lại đợi đón khách mới. Khoảng gần một giờ đồng hồ đứng quan sát, chúng tôi ghi nhận tất cả các chuyến đò qua lại ở bến Lĩnh Nam - Kim Lan trưa 24/3 đều chung một tình trạng: Không có bất cứ hành khách nào mặc áo phao; Chủ đò cũng không hề nhắc nhở hành khách mặc áo phao.
Tình trạng còn tệ hơn tại bến đò Dầy (nối từ khu vực chợ Dầy, xã Liên Trung, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội sang khu vực lò gạch tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, TP Hà Nội). Tại đây, luôn có hai con đò sắt lớn hoạt động nhộn nhịp với khoảng 30 hành khách/chuyến. Chủ đò cũng là một phụ nữ trung niên cho biết, khách đi đò chủ yếu là công nhân làm việc ở khu lò gạch và dân địa phương vùng lân cận. Điều khác biệt là trên con đò này không hề có bất cứ tấm biển báo hay bảng nội quy nào yêu cầu hành khách phải mặc áo phao khi đi đò. Và cả con đò lớn này cũng không hề có chiếc áo phao nào. “Áo phao mà làm gì, con đò qua đoạn sông ngắn, chưa kịp mặc đã cởi ra à?”, chủ đò thản nhiên nói.
Vẫn chủ yếu chỉ tuyên truyền?
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Đỗ Bá Ngự, Phó Phòng Cảnh sát đường thủy, Công an TP Hà Nội cho biết, theo quy định đơn vị vẫn thường xuyên kiểm tra điều kiện hoạt động của các bến chở khách sang sông trong suốt thời gian qua. “Chúng tôi đã xử lý rất nhiều trường hợp vi phạm về điều kiện hoạt động của người điều khiển như vi phạm về bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn, vi phạm về điều kiện hoạt động người lái phương tiện”, ông Ngự nói.
Vẫn theo ông Ngự, song song với việc xử lý vi phạm, phòng cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho người điều khiển phương tiện, khách qua sông về quy định mặc áo phao. Tuy nhiên, việc quản lý đối với hoạt động của những phương tiện đường thủy nội địa này hiện vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề ý thức của cả người điều khiển phương tiện lẫn người tham gia giao thông đường thủy nội địa còn hạn chế. “Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục công tác tuyên truyền và kết hợp xử lý vi phạm đối với chủ phương tiện và người đi đò không mặc áo phao”, ông Ngự cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận