Một đò trên bến Đục, chùa Hương bắt đầu khởi hành nhưng khách đi đò không ai được trang bị áo phao - Ảnh: Tạ Tôn |
Đò lễ hội đối phó với áo phao
Ngày 25/2, suối Yến vào Chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) chật kín đò chở khách. Điểm mới năm nay là trên các đò đều trang bị áo phao rất mới và sạch sẽ. Tuy nhiên, tình trạng khách không mặc áo phao diễn ra phổ biến, người chèo đò chỉ nhắc nhở chiếu lệ, khách không mặc áo phao thì đò vẫn rời bến. Trong khi chỉ cách đó 3 ngày (ngày 22/2), Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH, TT&DL) đã có công văn yêu cầu đặc biệt chú trọng phương án đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân tham gia hoạt động lễ hội diễn ra trên sông nước, yêu cầu Ban tổ chức Lễ hội Chùa Hương trang bị áo phao cứu sinh và yêu cầu du khách mặc áo phao khi ngồi trên đò.
"Khi hành khách không mặc áo phao nhưng không chịu nộp phạt, có thể lập biên bản, bàn giao cho chính quyền địa phương trực tiếp thu phạt sau. Cần xử phạt nghiêm chủ đò đã thiếu trách nhiệm và vi phạm cam kết đảm bảo ATGT đường thủy đã ký với lực lượng chức năng”. Ông Đỗ Văn Lai |
Chị Thủy, người chèo đò trên suối Yến thanh minh, có nhắc nhở và đưa áo phao cho hành khách khi xuống đò nhưng nhiều hành khách không mặc, hoặc mặc nhưng dọc đường lại cởi. “Mình chỉ là lái đò nên cũng ngại”, chị Thủy phân trần.
Những ngày này, bến thuyền Tràng An (Ninh Bình) ken đặc đò chở khách tham quan. Năm nay, mọi đò đều được trang bị áo phao, lái đò đều nhắc khách mặc áo phao khi lên đò. Nhưng qua quan sát, khá nhiều du khách vẫn phớt lờ lời nhắc nhở, có khách mặc nhưng đò chỉ chạy được một lát đã cởi bỏ áo phao. Chị Hiền, chèo đò ở bến Tràng An than thở, mình nhắc nhở theo quy định nhưng rất nhiều hành khách phớt lờ không chịu mặc áo phao, hoặc khoác vào chiếu lệ, sau lại bỏ ra. Thậm chí, có khách còn than phiền bắt mặc áo phao là phiền toái, tạo sức ép khi du lịch…
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở bến đò chùa Thiên Tích (Hà Tĩnh). Chiều 21/2, PV Báo Giao thông ghi nhận ở bến đò này, tình trạng chở quá số người quy định, không mặc áo phao khá phổ biến.
Đò ngang sông phớt lờ áo phao
Chiều 26/2, tại bến phà ngang Phù Sa (xã Đại Tập, huyện Khoái Châu, Hưng Yên) nối sang sông Hồng, giá đi phà là 4.000 đồng/người, 4.000 đồng/xe máy, 35.000 đồng/xe tải, 30.000 đồng/xe ôtô con. Trên phà chỉ có duy nhất một người xưng là máy trưởng, không có thêm nhân viên phục vụ nào. Dù phà chật cứng người, xe, nhưng chỉ có vài chiếc áo phao đã cũ nát, rách bươm được mắc trên thành phà và không một ai mặc hay nhắc nhở, hỏi han đến chúng. Khi được hỏi, máy trưởng ngạc nhiên: “Rách bẩn và vướng víu lắm, ai mặc làm gì, phà an toàn mà”.
Tại bến phà Dương Liệt (xã Thắng Lợi, huyện Văn Giang, Hưng Yên), chiếc phà một lưỡi mang số hiệu HY0569 chở 2 chiếc xe ôtô con, 1 chiếc xe tải và hơn 10 xe máy cùng nhiều hành khách rời bến chạy về phía bờ Vạn Phúc (huyện Thanh Trì, TP Hà Nội). Quá trình phà sang sông, những người ngồi trên ô tô đều không xuống xe, đóng kín cửa, còn những người đứng trên phà thì không ai mặc áo phao. Khi chúng tôi lên tiếng hỏi áo phao để mặc, cả người lái phà lẫn hành khách đều rất ngạc nhiên. Người lái đò cười : “Chỉ dăm phút là sang bờ bên kia, không cần mặc đâu”, một hành khách nói: “Áo phao mốc bẩn thế kia còn đòi mặc”.
Chiều 25/2, có mặt tại bến đò Mom (xã Liên Chung, huyện Tân Yên, Bắc Giang); bến đò Cung Kiệm (xã Yên Lư, huyện Yên Dũng, Bắc Giang); bến đò Lương Tài (xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, Bắc Giang); bến đò Mười (xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định)… PV Báo Giao thông ghi nhận tình trạng người đi đò không mặc áo phao rất phổ biến. Một lái đò ở bến Lương Tài giải thích rất chủ quan: “Quãng đường qua sông chỉ dăm phút, con nước cũng rất yên bình, nên mọi người đã quen việc không cần áo phao, dụng cụ nổi, có nhắc cũng không ai mặc”.
Đò nào tại bến thuyền Tràng An (Ninh Bình) cũng có áo phao, nhưng du khách vẫn phớt lờ việc mặc áo phao - Ảnh: Hoàng Tùng |
Lực lượng chức năng kêu khó
Nghị định 132 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016, quy định người lái phương tiện, thuyền viên có trách nhiệm phát, hướng dẫn cách sử dụng áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh cho hành khách; trường hợp hành khách trên phương tiện không mặc áo phao thì người lái bị phạt từ 100.000-200.000 đồng. Hành khách nếu không chấp hành nội quy an toàn trên phương tiện, không chấp hành sự hướng dẫn của thuyền viên, người lái phương tiện sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 - 100.000 đồng. Tuy nhiên, đến nay, vi phạm không mặc áo phao vẫn nhan nhản trên các đò, phà.
Trung tá Hoàng Thọ Hải, Phó phòng CSGT Công an tỉnh Nam Định cho biết, lực lượng chức năng địa phương thường xuyên kiểm tra công tác đảm bảo ATGT tại các bến đò, trên các tuyến sông. Năm 2017, CSGT đường thủy Nam Định đã xử lý 156 vi phạm không mặc áo phao khi đi đò, nhưng đều là phạt chủ đò. “Việc xử lý người đi đò không mặc áo phao gặp nhiều khó khăn vì không giống trên đường bộ, nếu người vi phạm nói không mang theo tiền, không đủ tiền thì lực lượng chức năng cũng không thể tạm giữ giấy tờ hay phương tiện nào”, Trung tá Hải nêu bất cập.
Trung tá Đinh Đức Minh, Đội trưởng Đội CSGT đường thủy, Phòng CSGT tỉnh Ninh Bình cũng cho biết, để đảm bảo ATGT, Ban quản lý Khu du lịch Tràng An cùng lực lượng chức năng yêu cầu mọi thuyền đều phải có áo phao và phát cho du khách, nhắc du khách mặc vào mới cho đò rời bến. “Tuy nhiên, do lực lượng mỏng mà vào dịp lễ hội lượng hành khách rất đông nên cũng không thể xử lý hết mọi vi phạm”, Trung tá Minh nói.
Trung tá Đỗ Trọng Nghĩa, Đội trưởng Đội TTKS số 3 (Phòng CSGT đường thủy Hà Nội) thừa nhận, còn tình trạng hành khách không tuân thủ mặc áo phao, nguyên nhân chính là như sự chủ quan của chủ đò, lái đò, hành khách. “Bên cạnh việc tăng cường TTKS, xử lý vi phạm, cần tập trung tuyên truyền để nâng cao nhận thức, ý thức cần thiết mặc áo phao khi đi đò là để bảo vệ chính hành khách. Có thể lắp hệ thống loa tuyên truyền ngay trên các phà, đò”, Trung tá Nghĩa đề xuất.
Ông Nguyễn Quang Thanh, Chánh văn phòng Ban ATGT Phú Thọ đề nghị phải tăng cường tuyên truyền, TTKS, đánh mạnh vào ý thức và trách nhiệm của chủ đò, lái đò. “Trường hợp hành khách không chấp hành thì yêu cầu khách xuống đò. Phải làm nghiêm việc này, ý thức của người dân mới nâng cao được. Ngoài ra, chính quyền địa phương phải trực tiếp giám sát để thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền tới hành khách và chủ đò, lái đò”, ông Thanh nói thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận