Ngày 21/10, ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ, Phó trưởng Ban ATGT TP Cần Thơ cho biết, theo nhận định của Đài khí thượng Thủy văn TP, mực nước cao nhất năm 2021 có khả năng ở mức hơn 2m, vượt báo động III. TP Cần Thơ đang khẩn trương triển khai các giải pháp ứng phó.
Triều cường dâng cao tại nút giao IC3. Ảnh tư liệu
Theo đó, UBND các quận, huyện, đơn vị được giao quản lý các tuyến đường địa phương, tổ chức rà soát, dự báo các đoạn tuyến đường bộ bị ngập nước trên địa bàn. Từ đó xây dựng kế hoạch chủ động bố trí lực lượng, phương tiện để tổ chức giao thông và hỗ trợ khi cần thiết.
Trường hợp nước ngập sâu, không an toàn cho người và phương tiện lưu thông thì thực hiện biện pháp cấm đường tạm thời, đồng thời có phương án tổ chức, phân luồng giao thông cho phù hợp.
Song song đó, kiểm tra toàn bộ hệ thống thoát nước để khơi thông khả năng thoát nước nhanh. Duy tu sửa chữa hệ thống cầu, đường không để xuất hiện các vị trí hằn lún sâu, ổ gà và căng dây, cắm biển cảnh báo, dây cảnh báo, đèn chớp cảnh báo tại vị trí các tuyến đường cặp bờ kênh, mương, hồ, ao ngập sâu gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông khi triều cường dâng cao.
Đặc biệt là tuyên truyền cho người dân về các đoạn tuyến đường bộ thường xuyên bị ngập nước, giờ bị ngập nước, chiều sâu mực nước nguy hiểm... để người dân chủ động sắp xếp thời gian tham gia giao thông, hạn chế nguy cơ ùn tắc giao thông.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP, Ban Quản dự án ODA, Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất quận, huyện chỉ đạo nhà thầu thi công, tư vấn giám sát bên cạnh việc xây dựng kế hoạch phòng, chống Covid-19 tại công trường, cần phải phối hợp với lực lượng chức năng, điều tiết, đảm bảo giao thông khu vực bị ngập nếu có.
Đối với công trình đang thi công nâng cấp, mở rộng và các công trình thi công trên tuyến đường cặp kênh, mương, hồ, ao, thi công mở rộng nền đường bị ngập sâu, không nhận biết phần mặt đường xe chạy khi nước dâng cao, các đơn vị cần phải bố trí biển cảnh báo, rào chắn, căng dây, đèn cảnh báo.
Ngoài ra, Sở GTVT cũng có văn bản, đề nghị Chi Cục Quản lý đường bộ IV.5 - là đơn vị quản lý các tuyến QL trên địa bàn Cần Thơ, tổ chức rà soát toàn bộ các đoạn QL qua địa bàn bị ngập nước để bổ sung cảnh báo, bố trí người và phương tiện tại các đoạn tuyến bị ngập nước để tổ chức giao thông, cấm đường tạm thời khi cần thiết.
Đồng thời, tiến hành rà soát, duy tu sửa chữa hệ thống cầu, đường tại một số vị trí như nút giao IC3 (đường dẫn cầu Cần Thơ), QL Nam Sông Hậu, QL 80, 61C.. đảm bảo mặt đường êm thuận, không để xuất hiện các vị trí hằn lún sâu, ổ gà khi triều cường không nhận biết phần mặt đường xe chạy gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
“Dự báo từ cơ quan chức năng, trên sông Hậu, đỉnh triều cường cao nhất xuất hiện vào tháng 10 và 11 Âm lịch, các phương án này nhằm chủ động phòng ngừa, không chủ quan và để giải thiểu đến mức tối đa thiệt hại có thể xảy ra do triều cường, mưa lũ gây ra cho người dân khi tham gia giao thông.
Đồng thời tăng cường các biện pháp đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn thành phố sau khi thành phố nới lỏng giãn cách xã hội, thực hiện các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, khôi phục phát triển kinh tế”, ông Lê Tiến Dũng cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận