Sáng 17/5, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chủ trì phối hợp với các lực lượng trong và ngoài ngành giao thông đường thủy thực hành Diễn tập phối hợp tìm kiếm cứu nạn (TKCN) trên đường thủy nội địa năm 2022.
Cuộc diễn tập mang tên “ĐT-22” diễn ra trên sông Mã gần cầu Hàm Rồng (Thanh Hoá).
Các đơn vị liên quan tham dự buổi Diễn tập phối hợp tìm kiếm cứu nạn (TKCN) trên đường thủy nội địa năm 2022
Việc diễn tập phối hợp TKCN nhằm nâng cao năng lực chỉ huy, điều hành, kỹ năng và nghiệp vụ phối hợp xử lý tình huống của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và các đơn vị, các lực lượng tham gia hoạt động phối hợp TKCN trên đường thủy nội địa gồm: Cảnh sát, Biên phòng, Thanh tra giao thông, Cảng vụ và Đơn vị bảo trì đường thủy nội địa.
Ông Bùi Thiên Thu - Cục trưởng Cục đường thuỷ nội địa Việt Nam phát biểu tại buổi lễ
Trường hợp giả định tàu khách Hoàng Long 1 chở 24 hành khách đâm va vào tàu hàng trên sông Mã
Ông Bùi Thiên Thu - Cục trưởng Cục đường thuỷ nội địa Việt Nam cho biết: Những năm gần đây diễn biến thời tiết khó lường và biến đổi khí hậu đã gây tổn thất rất lớn về người và tài sản. Không những thế còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạ tầng, kinh tế xã hội của đất nước, của ngành GTVT nói chung và ngành giao thông đường thuỷ nội địa nói riêng.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, trong năm 2022, có nhiều khả năng xuất hiện nhiều xoáy nhiệt đới, mưa lớn, mưa kéo dài... khả năng có nhiều biến động nên cần lưu ý đề phòng bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt trong các tháng mùa mưa bão.
"Vì vậy xác định ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng trong công tác phòng chống thiên tai và TKCN. Để chủ động ứng phó và hạn chế mức thấp nhất ảnh hưởng của bão, lũ gây ra, Bộ GTVT đã giao Cục đường thuỷ nội địa Việt Nam chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai và TKCN năm 2022", ông Thu nêu.
Cũng theo ông Thu, thông qua diễn tập sẽ thực hiện tổng kết, rút kinh nghiệm đồng thời đưa ra kế hoạch huấn luyện, đào tạo nghiệp vụ TKCN phù hợp với thực tiễn hoạt động TKCN trên đường thủy nội địa. Ngoài ra, tuyên truyền rộng rãi để mọi người hiểu thêm về nghĩa vụ và trách nhiệm của ngành giao thông đường thủy nội địa nói riêng và của các cấp các ngành liên quan nói chung về hoạt động phối hợp TKCN trên đường thủy nội địa.
Sau khi nhận được thông tin ứng cứu, lực lượng chức năng đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường để cứu người, cứu tàu khách
Lực lượng y tế túc trực sẵn trên bờ để hỗ trợ sơ, cấp cứu hành khách gặp nạn
Cano, tàu cứu hộ "khuấy đảo" xung quanh khu vực diễn tập cứu tàu chở khách
Cục trưởng Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam trao tặng giấy khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong buổi diễn tập
Trong khuôn khổ Kế hoạch, các lực lượng chức năng sẽ tiến hành thực hiện diễn tập TKCN trường hợp giả định tàu khách Hoàng Long 1 chở 24 hành khách và 6 thuyền viên đang đi tham quan du lịch từ thượng nguồn sông Mã về hạ lưu cầu Hàm Rồng không may đâm va vào tàu chở hàng theo hướng ngược lại.
Trong quá trình tổ chức TKCN, các đơn vị như: Cảnh sát, Thanh tra giao thông, lực lượng Biên phòng, Cảng vụ và đơn vị quản lý tuyến sông phối hợp tìm kiếm, cứu sống các hành khách rơi xuống sông; áp sát tàu bị nạn đưa người vào bờ an toàn (có lực lượng y tế túc trực sẵn) và khống chế lửa trên tàu lai dắt ào bờ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận