Hệ lụy cơi thùng dây chuyền
Trước thực trạng đoàn xe từ Thừa Thiên Huế cơi thùng vào Quảng Nam chở cát, một số doanh nghiệp vận tải tại địa phương đã bày tỏ sự bức xúc bởi việc cạnh tranh không lành mạnh này.
Ông P., một chủ doanh nghiệp vận tải tại Quảng Nam bức xúc cho biết: Khi các đoàn xe tại Quảng Nam chấp hành nghiêm quy định về kích thước thành thùng, tải trọng thì các xe từ Thừa Thiên Huế lại cơi nới thành thùng, chở vượt thùng… để cạnh tranh bất bình đẳng với các đơn vị vận tải địa phương.
Trạm CSGT cửa ô Hòa Nhơn liên tiếp xử lý xe cơi thùng biển số Thừa Thiên Huế nhưng không xuể
Điều đáng nói, sự việc diễn ra công khai hàng tháng ròng, đoàn xe cơi thùng vẫn nhởn nhơ, công khai vi phạm trật tự ATGT.
“Xe 4 trục thùng nguyên bản chở được khoảng 13 khối cát. Còn mấy xe Huế cơi thùng cả nửa mét, chở từ 22-24 khối cát. Nhiều lúc chúng tôi nghĩ đến chuyện cũng cơi thùng chạy để cạnh tranh cho đỡ bức xúc trước sự ngang ngược của đoàn xe này”, ông P. nói và cho biết thêm, đã có một số xe mang biển số tỉnh Quảng Nam cũng cơi thùng theo các xe Huế để tăng sức cạnh tranh.
Theo ông P. mỗi chuyến xe chở cát ra Huế, trừ các chi phí hao mòn, mỗi xe của ông thu được khoảng 500-700 nghìn đồng. Còn các xe mang biển số Huế có thể lời đến 1,5 triệu đồng/ xe mỗi chuyến.
Từ lời ông P., sau nhiều ngày khảo sát tại các tuyến đường trên hành trình Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, chúng tôi ghi nhận các xe ben BKS 92C-166.84, 92C-056.17, 92H-004.26 cũng cơi nới thành thùng không dưới 30cm, chở cát “có ngọn” từ Quảng Nam về các điểm tập kết tại Thừa Thiên Huế.
Nhìn hình ảnh, clip PV Báo Giao thông cung cấp, một lãnh đạo Chi cục QLĐB III.1 (Cục QLĐB III, Tổng cục ĐBVN) khẳng định, chỉ nhìn bằng mắt thường cũng đủ xác định các xe biển số Thừa Thiên Huế cơi thùng, chở cát ướt nên quá tải rất nhiều.
Sau nhiều lần bị xử phạt, các đối tượng lợi dụng đêm tối để hoạt động nhằm né tránh sự kiểm tra của lực lượng CSGT. Hầu hết các xe mang BKS Thừa Thiên Huế bị kiểm tra đều vi phạm lỗi cơi nới kích thước thành thùng
Theo vị này, xe quá tải trọng sẽ ảnh hưởng xấu đến kết cấu đường sá. Nước từ cát ướt trên xe đổ xuống đường cũng là tác nhân gây hư hỏng mặt đường. Theo đó, khi nhiệt độ mặt đường nhựa đang cao vì nắng, nước trên xe đổ xuống sẽ làm mặt đường tại vị trí đó nguội đột ngột.
“Không phải như trời mưa hay xe tưới nước là toàn bộ mặt đường đều giảm nhiệt, nước từ trên xe chở cát chỉ đổ xuống dọc theo vị trí xe chạy qua, theo cơ chế giãn nở về nhiệt sẽ khiến nền nhựa đường hư hỏng. Không chỉ vậy cát bám lại trên mặt đường sẽ gây trơn trượt, dễ gây TNGT cho người đi xe máy”, vị này cho hay.
Mật phục, ghi hình xử lý xe quá tải
Ông Võ Hoài Nam, Chánh TTGT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, có nắm thông tin xe chở cát chạy từ Quảng Nam ra Huế. Tuy nhiên, ông Nam cho biết xe chạy trên QL1A thì Công an tỉnh làm nhiệm vụ.
Chánh TTGT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết thêm, sẽ phối hợp với ngành công an để xác định đây là xe của đơn vị nào, xuất phát, nhập hàng từ đâu để lập kế hoạch xử lý do xe chủ yếu chạy ban đêm còn TTGT hiện chưa có kế hoạch làm đêm.
Các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ từ Quảng Nam ra đến Huế mỗi ngày đều oằn mình gánh xe quá tải
Theo Trung tá Phạm Hồng Hải, Trạm trưởng Trạm CSGT cửa ô Hòa Nhơn (Phòng CSGT Công an TP.Đà Nẵng), đơn vị đã xử lý rất nhiều trường hợp vi phạm kích thước thành thùng, rơi vãi… nên các đối tượng đã chọn những thời gian không có CSGT làm nhiệm vụ hoặc lực lượng đang đảm nhận các nhiệm vụ khác (như dẫn đoàn, điều tra giải quyết TNGT...) để lưu thông.
“Thời gian tới, CSGT cửa ô Hòa Nhơn sẽ thay đổi phương thức TTKS như hóa trang ghi hình, mật phục… để phát hiện, dừng xử lý nghiêm các đối tượng này. Đồng thời, tổ chức yêu cầu chủ xe, lái xe ký cam kết chấp hành Luật GTĐB đưa vào theo dõi trên hệ thống CSDL nếu tái phạm sẽ phối hợp cơ quan chức năng xem xét hoạt động kinh doanh; phối hợp với các địa phương kiểm soát nghiêm, xử lý triệt để tại điểm đầu các bến, bãi, nơi xuất phát,... không để hành vi vi phạm lưu thông rồi CSGT mới xử lý”, Trung tá Hải thông tin.
Xe chở quá tải, rơi vãi vừa làm ảnh hưởng kết cấu đường, vừa tiềm ẩn nguy cơ TNGT
Trạm trưởng Trạm CSGT cửa ô Hòa Nhơn cho biết thêm, xử lý tải trọng hiệu quả cần thực hiện ngay tại điểm đầu, xuất phát từ các bến, bãi. Mặt khác, phải có sự phối hợp chặt chẽ trong xử lý giữa lực lượng thực thi và lực lượng quản lý phương tiện vì nhiều xe được nhập được kiểm định cấp phép tải trọng cho chuyên chở lớn nhiều so với tải trọng cầu đường cho phép.
Trước đó, Trung tá Hoàng Phước Tế, Trạm trưởng Trạm CSGT Phú Lộc, Phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cũng cho Báo Giao thông biết, đơn vị đang làm chuyên đề xử lý các xe chở tràm cơi nới thành thùng và sẽ làm kết hợp xử lý cả những xe chở cát, xử lý đến khi nào tạo sự công bằng mới thôi.
Như Báo Giao thông phản ánh, hiện nay xuất hiện đoàn xe mang BKS tỉnh Thừa Thiên Huế cơi nới thành thùng, chở cát “có ngọn” từ Quảng Nam ra các điểm tập kết tại địa phận Thừa Thiên Huế nhưng chưa được các cơ quan chức năng tại các địa phương xử lý triệt để, gây mất ATGT.
Tại Đà Nẵng, dù Trạm CSGT cửa ô Hòa Nhơn đã vào cuộc, liên tục xử lý các xe cơi thùng, rơi vãi nhưng tình trạng vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Cánh tài xế thường lợi dụng đêm tối, những thời điểm không có lực lượng CSGT trên tuyến để hoạt động... Đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ từ các cơ quan quản lý nhà nước.
Báo Giao thông tiếp tục thông tin vụ việc này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận