Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, thống kê trong tháng 7/2019, cả nước xảy ra 27 vụ TNGT đường sắt, tăng 12,5%; làm chết 17 người, tăng 21,4% và làm bị thương 23 người, tăng 76,9%.
Đáng chú ý, trong đó có nhiều vụ nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Điển hình là vụ tai nạn ngày 31/7, tàu SE27 khi đến km 1465+810 là đường ngang biển bảo (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) khu gian Sông Lòng Sông - Sông Mao, tuyến đường sắt Bắc - Nam đâm vào 1 xe ô tô 16 chỗ. Hậu quả làm 3 người chết tại chỗ, 1 người chết tại bệnh viện.
Trước đó, ngày 4/7, tàu SE3 đến km 126 + 575 (lối đi tự mở) khu gian Ghềnh - Đồng Giao (Tam Điệp, Ninh Bình) va chạm với 2 người đi xe máy vượt qua đường sắt. Hậu quả làm 1 người chết, 1 người bị thương.
Một vụ khác, ngày 9/7, tàu SE1 đến Km 900+360 (đường ngang biển báo) khu gian Núi Thành - Trị Bình (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) va vào xe ô tô taxi 4 chỗ của hãng Mai Linh. Hậu quả làm chết 2 người (1 người lớn và 1 trẻ em) và 2 người bị thương. Ngày 16/7, tàu LP5 đến km 75+00 (lối đi tự mở) khu gian Phạm Xá - Phú Thái (huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) va chạm với 2 người phụ nữ đi xe đạp điện. Hậu quả làm 1 người chết, 1 người bị thương...
Theo Tổng công ty Đường sắt VN, nguyên nhân của các vụ tai nạn chủ yếu do người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ không chú ý quan sát, không chấp hành các quy định của pháp luật về ATGT khi đi qua các vị trí giao cắt giữa đường sắt - đường bộ.
Cũng qua tổng hợp, phân tích cho thấy, từ đầu năm 2019 đến nay, các vụ TNGT đường sắt chủ yếu xảy ra trên lối đi tự mở và dọc hai bên hành lang đường sắt, chiếm tới 78%. Còn lại xảy ra tại đường ngang biển báo, cảnh báo tự động có cần chắn tự động.
Một số địa phương xảy ra nhiều vụ TNGT đường sắt gồm: Hà Nội (19 vụ), Khánh Hòa (16 vụ), Hải Dương (10), Bắc Giang, Thanh Hóa (9 vụ), Hà Nam, Nghệ An (8 vụ), Thừa Thiên - Huế (7 vụ), Đồng Nai (6 vụ), Nam Định, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam (5 vụ).
Trước tình hình trên, Tổng công ty Đường sắt VN kiến nghị Ủy ban ATGT Quốc gia chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các quy định về đảm bảo ATGT đường sắt, nhất là khi đi qua đường sắt và bảo vệ hành lang ATGT đường sắt.
Đơn vị này cũng kiến nghị chỉ đạo với các cơ quan truyền thông và ban ATGT các tỉnh, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn để người dân tự giác chấp hành các quy định của pháp luật, chủ động phòng tránh TNGT đường sắt khi qua lại các giao cắt; tuyên truyền, vận động các chủ doanh nghiệp quản lý phương tiện vận tải… thực hiện các biện pháp đảm bảo ATGT khi qua các giao cắt với đường sắt.
"Các cơ quan, đơn vị nghiên cứu triển khai xã hội hóa công tác đảm bảo trật tự ATGT tại các lối đi tự mở qua đường sắt, nhằm kêu gọi, thu hút sự góp sức của cộng đồng để thực hiện các giải pháp đảm bảo ATGT tại các vị trí giao cắt giữa đường bộ - đường sắt", Tổng công ty Đường sắt VN đề xuất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận