69 điểm thường xuyên dừng đỗ đón/trả khách
Cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài 265km, đi qua 5 tỉnh và thành phố là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai là tuyến đường có lưu lượng vận tải lớn. Sau khi đưa vào khai thác vào năm 2014, trên tuyến thường xuyên xảy ra tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông.
Nhức nhối nhất là tình trạng người dân xé rào, trèo qua hộ lan đường để chờ đón xe khách, thậm chí, nhiều người từng ví von tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai chẳng khác gì đường quốc lộ.
Dọc tuyến xuất hiện nhan nhản những "bến cóc" tự phát, xe khách hễ đi qua là tự động dừng lại đón khách, thậm chí giao nhận hàng hóa bất chấp rủi ro mất an toàn giao thông.
Trong đó, theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, tập trung nhiều nhất ở các vị trí đường dẫn lên các cầu vượt như tại cầu Bá Thiện, cầu Tam Lộng Thiện Kế (Km 18+985), cầu Nguyễn Tất Thành, cầu TL 301, cầu TL 305 (qua Vĩnh Phúc), cầu TL 315B (qua Phú Thọ) và các cầu chui dân sinh.
Theo báo cáo của đơn vị quản lý và khai thác tuyến, trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến nay có tới 69 điểm xe khách thường xuyên dừng đỗ đón/trả khách tính cả 2 chiều từ Hà Nội - Lào Cai và ngược lại.
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông cho người đi bộ trên tuyến cao tốc này đó là tình trạng đón/trả khách trên cao tốc, người dân vô tư băng qua đường để về nhà hoặc đón xe. Với tốc độ của đường cao tốc từ 60 - 100km/h, khi người dân bất ngờ băng qua đường hoặc xe khách dừng đột ngột đón/trả khách sẽ tiềm ẩn rủi ro rất lớn về tai nạn.
Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại cảnh 2 người đi bộ băng qua cao tốc Nội Bài - Lào Cai khiến một ô tô phải chuyển hướng gấp để tránh xảy ra tai nạn nghiêm trọng.
Theo đó, sự việc xảy ra vào khoảng 12h ngày 11/8/2024, tại Km141 cao tốc Nội Bài - Lào Cai thuộc địa phận xã Xuân Ái, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.
Trước đó, khoảng 19h ngày 2/5, tại Km 110+400 hướng Nội Bài - Lào Cai xảy ra vụ TNGT khiến 1 người tử vong. Nạn nhân là ông Mai Thúc Quang (SN 1953, trú tại huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái). Thời điểm xảy ra tai nạn, ông Quang đang đi bộ lên đường cao tốc va chạm với một xe ô tô.
Ngăn tai nạn từ hành vi đón/trả khách trên cao tốc
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng VP Luật sư Tinh thông luật cho biết, Nghị định 123/2021 sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt đã tăng nặng mức phạt đối với các hành vi vi phạm trên đường cao tốc.
Đối với hành vi đón, trả khách trên đường cao tốc, theo Nghị định tăng mức xử phạt từ 5 - 7 triệu đồng lên 10 - 12 triệu đồng với người điều khiển xe ô tô chở khách, ô tô chở người và các loại xe tương tự xe ô tô chở hành khách.
Nghị định cũng tăng mức xử phạt từ 5 - 7 triệu đồng lên 10 - 12 triệu đồng đối với đơn vị kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải để đón, trả khách; nhận, trả hàng trên đường cao tốc. Ngoài ra, doanh nghiệp còn bị tước phù hiệu 1 - 3 tháng, lái xe bị tước GPLX 2 - 4 tháng.
"Dù đã tăng mức xử phạt nhưng tình trạng đón, trả khách trên cao tốc diễn ra vẫn phổ biến chủ yếu là do ý thức của người dân và của lái, chủ xe. Do đó, để tăng tính răn đe, lực lượng chức năng cần xử nghiêm và xử phạt tất cả trường hợp vi phạm, tránh bỏ lọt nhằm tạo điều kiện cho các xe khách tái phạm", Luật sư Diệp Năng Bình nói thêm.
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, tại dự thảo Nghị định xử phạt VPHC và trừ điểm GPLX lĩnh vực giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất giữ nguyên mức phạt với hành vi dừng, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định từ 10 - 12 triệu đồng, tuy nhiên, bổ sung hình phạt trừ 6 điểm GPLX.
TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh VP Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, với chế tài tước GPLX như hiện nay, sau thời hạn tước, GPLX được trả về tài xế vẫn còn nguyên giá trị nhưng với chế tài trừ điểm GPLX, sẽ là một hình thức cảnh báo. Nếu tài xế tiếp tục vi phạm giao thông có thể bị trừ hết điểm GPLX, không được điều khiển phương tiện, không được làm việc trong 6 tháng; sau đó phải thực hiện bài kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ để được phục hồi điểm GPLX.
"Chế tài này sẽ giúp nâng cao ý thức tài xế hơn, qua đó, giúp giảm thiểu các vi phạm giao thông, giảm nguy cơ mất ATGT. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng cần tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở người dân không tự ý xé rào, đón xe trên cao tốc, đặc biệt cần đưa ví dụ các vụ tai nạn giao thông để người dân hiểu, sợ và chấp hành", ông Tạo nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết, hiện nay, theo quy định, tất cả xe kinh doanh vận tải đều phải lắp thiết bị giám sát hành trình, xe khách trên 9 chỗ phải lắp cả camera giám sát lái xe.
Để ngăn chặn hành vi trên, doanh nghiệp vận tải cần thực hiện nghiêm trách nhiệm trong thành lập, duy trì bộ phận an toàn giao thông, có nhiệm vụ theo dõi, giám sát hoạt động của phương tiện, người lái xe thông qua dữ liệu từ các thiết bị trên, để kịp thời phát hiện vi phạm, nhắc nhở, xử lý, nâng cao ý thức lái xe và ngăn rủi ro mất an toàn giao thông.
Phía cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần thường xuyên, kiểm tra, cả đột xuất lẫn định kỳ về việc thực hiện quy định trên của các doanh nghiệp, từ đó chấn chỉnh, xử lý để nâng cao trách nhiệm doanh nghiệp, tạo tính răn đe.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận