Tại dự thảo Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ, Bộ Công an không đề xuất quy định phải có giấy phép lái xe (GPLX) đối với người điều khiển phương tiện dưới 50 cm3. Điều này khiến nhiều chuyên gia lo ngại nguy cơ mất ATGT đối với hàng vạn người đang điều khiển loại xe này.
Nguy cơ mất ATGT cao
Tại dự thảo Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ vừa được trình Ủy ban TVQH, Bộ Công an đề xuất phân 11 hạng GPLX. Đáng chú ý, đối với bằng lái xe mô tô, Bộ Công an đề xuất chia làm 3 hạng: Hạng A01 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 đến 170 cm3. Hạng A2 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh trên 175 cm3 trở lên. Hạng A3 cấp cho người lái xe mô tô ba bánh.
Từ cách phân hạng nêu trên có thể thấy đối tượng điều khiển xe có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3 đã bị loại bỏ, không được quản lý.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, trong số các vụ TNGT những năm gần đây liên quan đến học sinh, có tới 90% số vụ liên quan tới độ tuổi 16 - 18.
Qua khảo sát cho thấy, học sinh cấp II trở lên đi xe đạp điện gây khoảng 70% số vụ TNGT có thương vong. Bậc THPT hiện có trên 50% học sinh đến trường bằng xe đạp điện, xe máy nhưng các em lại không có GPLX, đồng nghĩa các em chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng lái xe, kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ để tham gia giao thông an toàn.
“Yêu cầu bắt buộc người điều khiển nhóm phương tiện dưới 50cc phải học và thi lấy GPLX là cần thiết nhằm nâng cao nhận thức của lái xe trong việc chịu trách nhiệm cho hành vi giao thông của mình. Đồng thời, cũng là giúp trang bị những kiến thức, kỹ năng ATGT bài bản, có hệ thống cho người ở độ tuổi vị thành niên”, ông Hùng nói.
Đồng quan điểm, TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ATGT, Trường Đại học Việt Đức cho biết, nghiên cứu độc lập của trung tâm cho thấy, hiện nay, tỷ lệ TNGT đối với trẻ em ở Việt Nam cao so với tỷ lệ bình quân thế giới và khu vực. Đặc biệt là tại Hà Nội và TP HCM, TNGT liên quan đến trẻ em có xu hướng tăng cao cả 3 tiêu chí về số vụ, bị chết và bị thương trong giai đoạn 2011 - 2016.
“Tỷ lệ thiệt mạng do TNGT của học sinh cấp III tại Hà Nội vào năm 2016 là 7,39/100.000 học sinh. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình của một số nước trong khu vực châu Á. Cụ thể, cao gấp 2,73 lần Nhật Bản và 1,84 lần Hàn Quốc. Tại TP HCM, số trẻ em tử vong do TNGT tăng nhanh, từ 35 năm 2013 lên 111 năm 2015. Mức rủi ro tử vong do TNGT ở trẻ em tại TP HCM cao gấp 8 - 9 lần trẻ em cùng nhóm tuổi ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế OECD”, TS. Tuấn cho biết.
Dự thảo Luật GTĐB sửa đổi từng đề xuất
Theo tìm hiểu, tại dự thảo Luật GTĐB sửa đổi, Bộ GTVT đã từng đề xuất người điều khiển xe máy dưới 50cc phải có GPLX.
Cụ thể, Bộ GTVT đề xuất, người lái xe gắn máy, kể cả xe máy điện có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3 hoặc có công suất động cơ điện không quá 4kw phải được đào tạo, sát hạch, cấp GPLX hạng A0. Dự thảo Luật cũng quy định, người đủ 16 tuổi trở lên được cấp GPLX hạng A0.
Tại Việt Nam, học sinh phổ thông độc lập điều khiển phương tiện như xe đạp điện, xe máy điện, xe máy có dung tích động cơ nhỏ hơn 50cm3 tham gia giao thông nhưng không cần bất cứ chứng chỉ, bằng cấp gì. Trong khi đó, các kiến thức về ATGT và kỹ năng điều khiển phương tiện của các em còn rất hạn chế. Do đó, việc đào tạo cơ bản nhằm bảo đảm các em có đủ kiến thức và kỹ năng để tham gia giao thông một cách an toàn là việc làm hết sức cần thiết và nhân văn.
TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ATGT, Trường Đại học Việt Đức
Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của dư luận lo ngại việc bắt buộc học sinh phải học và thi lấy bằng lái xe sẽ gây phiền hà và tốn kém cho nhiều gia đình, có thể nảy sinh tiêu cực, dự thảo lần 2 đã bỏ quy định bắt buộc người điều khiển xe đạp điện, xe máy điện phải có bằng lái hạng A0.
Thay vào đó, tại dự thảo trình Chính phủ, Bộ GTVT đã điều chỉnh theo hướng cấp GPLX hạng A1 cho người từ 16 tuổi trở lên đến dưới 18 tuổi.
Tuy nhiên, đối tượng này chỉ được điều khiển xe máy điện có công suất không vượt quá 4 KW, xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3. Đến khi các em đủ 18 tuổi trở lên sẽ được điều khiển xe có dung tích xi-lanh lớn hơn 50 cm3 mà không phải học và thi. Việc này vừa bảo đảm đạt được mục tiêu đảm bảo ATGT cho học sinh chưa đủ 18 tuổi, vừa cắt giảm điều kiện, thủ tục hành chính.
Trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật, đã ghi nhận rất nhiều ý kiến đồng tình từ chuyên gia, người dân... nhất là về nội dung bổ sung GPLX cho người trên 16 tuổi.
Tuy nhiên, sau đó Chính phủ thống nhất quy định về quy tắc giao thông, phương tiện người lái được điều chỉnh bởi Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ (do Bộ Công an soạn thảo).
Theo tìm hiểu, ban đầu dự thảo quy định người đi xe máy dưới 50cc, xe máy điện (công suất dưới 4kW) sẽ phải có GPLX (hạng A0) và đủ 16 tuổi mới được tham gia giao thông. Mặc dù vậy, trong dự thảo mới nhất trình Ủy ban TVQH, quy định này không còn nữa.
Lý giải việc này, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết TNGT, Cục CSGT (Bộ Công an) cho rằng, “việc quy định cấp giấy phép lại xe A0 đã được đưa vào quy định về trách nhiệm của một số bộ, ngành”.
“Tương tự như việc giáo dục pháp luật về giao thông được đưa vào hệ thống giáo dục quốc dân và các trường nghề của Bộ LĐ-TB&XH. Đồng thời, chúng tôi cũng nghiên cứu để gắn với trách nhiệm của UBND các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở trong việc tuyên truyền, phổ biến, đào tạo kiến thức pháp luật về trật tự ATGT. Vì vậy trong Luật Bảo đảm trật tự ATGT không quy định về bằng A0”, ông Nhật nói.
Trong khi đó, theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN, việc các văn bản luật hiện hành đều không có quy định trên đã vô tình tạo ra lỗ hổng trong công tác quản lý và giám sát.
“Quy định bằng lái đối với người điều khiển xe mô tô dưới 50 cm3 không chỉ giúp bịt lỗ hổng trong quản lý phương tiện và người lái mà còn góp phần tăng cường công tác bảo đảm ATGT đối với nhóm đối tượng sử dụng phương tiện xe điện và xe máy dưới 50cc”, bà Hiền nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận