Xe vận chuyển hàng nguy hiểm sẽ phải có giấy phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, tại Điều 42 dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông quy định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong vận chuyển hàng hóa nguy hiểm, quy định hàng nguy hiểm là hàng hóa có chứa các chất nguy hiểm khi chở trên đường có khả năng gây nguy hại tới tính mạng, sức khỏe con người, môi trường, an toàn và an ninh quốc gia.
Đáng chú ý, dự thảo đề xuất việc vận chuyển hàng hóa nguy hiểm phải có giấy phép do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp. Trong trường hợp cần thiết, đơn vị vận chuyển hàng hóa nguy hiểm phải bố trí người áp tải để đảm bảo an toàn giao thông.
Đối với điều kiện về phương tiện, dự thảo nêu rõ xe vận chuyển hàng hóa nguy hiểm phải lắp thiết bị giám sát hành trình, camera đảm bảo giám sát người lái xe, phía trước và phía sau xe theo quy định của Chính phủ.
Ngoài ra, người lái xe hoặc người áp tải vận chuyển hàng hóa nguy hiểm phải có chứng nhận chuyên môn về vận chuyển hàng hóa nguy hiểm theo quy định.
Dự thảo cũng nêu rõ: Chính phủ quy định về danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm và trình tự, thủ tục cấp giấy phép.
Giám sát chặt hoạt động lái xe để đảm bảo an toàn
Đối với đề xuất xe vận chuyển hàng hóa nguy hiểm phải lắp thiết bị giám sát hành trình, camera đảm bảo giám sát người lái xe, phía trước và phía sau xe theo quy định của Chính phủ, tại báo cáo thẩm định, Bộ Tư pháp cho biết, trong thời gian vừa qua, khi thực hiện quy định lắp đặt camera đối với xe kinh doanh vận tải đã gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai. Hơn nữa, quy định này cũng làm tăng thêm gánh nặng cho chủ phương tiện, cơ sở vận chuyển hàng hóa, đồng thời cũng chưa rõ mục đích quản lý của quy định này.
Từ đó, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc tính khả thi của quy định việc lắp camera đảm bảo giám sát người lái xe, phía trước và phía sau xe.
Về vấn đề này, Bộ Công an giải trình cho biết, đề xuất quy định lắp thiết bị giám sát hành trình, camera đảm bảo giám sát người lái xe, phía trước và phía sau xe đối với xe vận chuyển hàng hóa nguy hiểm là vô cùng cần thiết nhằm giám sát chặt chẽ hoạt động của người lái xe, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của tài xế, từ đó, tăng cường bảo vệ tính mạng, tài sản của người tham gia giao thông; đồng thời phục vụ công tác quản lý Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Vì vậy, Bộ Công an đề nghị giữ nguyên nội dung như dự thảo Luật.
Ngoài ra, đối với đề xuất bổ sung thêm quy định về giấy chứng nhận chuyên môn về vận chuyển hàng hóa, tuy nhiên, Bộ Tư pháp cho rằng, nội dung quy định chưa rõ.
Bên cạnh đó, hiện nay Nghị định số 42/2020 của Chính phủ quy định về danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thuỷ nội địa chỉ quy định người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm phải được tập huấn và được cấp Giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình tập huấn theo quy định (khoản 1 Điều 8).
Từ đó, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc quy định bổ sung chứng nhận chuyên môn về vận chuyển hàng hóa nguy hiểm tại dự thảo Luật để đảm bảo phù hợp với chủ trương của Nhà nước trong việc cắt giảm thủ tục hành chính cũng như không tạo ra trách nhiệm, chi phí tuân thủ pháp luật không cần thiết đối với các doanh nghiệp.
Về vấn đề này, Bộ Công an cho biết sẽ tiếp thu ý kiến thẩm định và chỉnh lý tại dự thảo Luật.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận