Quá nửa học sinh THPT trong đô thị sử dụng xe gắn máy dưới 50 phân khối
Tại hội thảo giới thiệu và hướng dẫn sử dụng Sổ tay An toàn giao thông khu vực trường học do Bộ GTVT phối hợp cùng Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á (AIP) tổ chức ngày 6/10, ông Lê Văn Thanh, Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ GTVT cho biết: Theo kết quả khảo sát phương tiện giao thông lưu thông qua khu vực trường học vào giờ đi học, tan học tại khu vực đô thị cho thấy, lượng lớn phương tiện là xe máy (bao gồm cả xe máy điện, xe gắn máy có động cơ dưới 50cm3) chiếm từ 60-70%.
Lượng xe đạp cũng chiếm tỷ lệ cao so với các khu vực khác (10-15%) do đặc điểm đi lại của học sinh thường sử dụng xe đạp để di chuyển. Xe tải cũng có song tỷ lệ thấp (chủ yếu là loại xe tải cỡ nhỏ dưới 1,5 tấn).
Phương thức đi lại của học sinh ở khu vực đô thị có sự khác biệt ở từng khối. Đối với học sinh tiểu học, chủ yếu ngồi sau xe máy, ô tô của phụ huynh. Tỷ lệ đi bộ và tự đi xe đạp rất thấp.
Đối với nhóm học sinh THPT chủ yếu sử dụng phương tiện cơ giới (xe gắn máy có động cơ dưới 50cm3, xe máy điện). Tỷ lệ sử dụng xe buýt của nhóm đối tượng này cao hơn so với nhóm học sinh THCS và tiểu học.
Cụ thể, ở nhóm học sinh THPT, có đến 53% sử dụng xe gắn máy có động cơ dưới 50cm3/xe máy điện, 15% sử dụng xe đạp/xe đạp điện; 10% ngồi sau xe máy; 10% đi bộ; 5% ngồi sau ô tô, 4% đi xe buýt và 3% đến trường bằng hình thức khác.
Đối với khu vực trường học ngoài đô thị, lượng lớn phương tiện giao thông lưu thông qua là xe máy (chiếm khoảng 60%). Lượng xe đạp cũng chiếm tỷ lệ cao hơn so với khu vực trong đô thị (15-20%). Tuy nhiên, lượng xe tải và xe khách lưu thông qua khu vực trường học ngoài đô thị cao hơn, chủ yếu là các loại xe tải cỡ lớn gây nguy cơ mất ATGT cao.
Đối với học sinh THCS chủ yếu sử dụng xe đạp/xe đạp điện và ngồi sau xe máy/ô tô của phụ huynh học sinh. Đối với nhóm học sinh THPT chủ yếu sử dụng phương tiện cơ giới (khoảng 33%). Tỷ lệ sử dụng xe buýt của nhóm đối tượng này cao hơn nhóm học sinh THCS.
Theo ông Thanh, đối với các trường học trong khu vực đô thị, mức độ phục vụ của kết cấu hạ tầng so với nhu cầu đi lại thấp, thường xảy ra ùn tắc giao thông.
Chưa kể, tại 100% các trường được khảo sát có kết nối trực tiếp với đường trục chính đô thị, đường quốc lộ đều thiếu hạ tầng đảm bảo lưu thông an toàn cho học sinh, không bố trí làn xe đạp, vỉa hè đi bộ bị lấn chiếm.
Báo động TNGT liên quan đến học sinh đầu năm học
Đáng chú ý, năm học mới 2023-2024 bắt đầu được hơn một tháng nhưng liên tiếp xảy ra các vụ TNGT liên quan đến học sinh.
Gần đây nhất, tối 29/9, tại quốc lộ 2 (Hà Giang - Tuyên Quang) đoạn qua huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang xảy ra vụ TNGT giữa hai xe mô tô đi ngược chiều khiến 3 học sinh tử vong, 3 em khác bị thương.
Trước đó, khoảng 11h30 ngày 26/9, tại tuyến đường trục xã thuộc địa phận xóm 8, xã Hải Cường xảy ra va chạm giữa xe máy và xe máy điện khiến một em học sinh tử vong tại chỗ, ba em khác bị thương được đưa đi cấp cứu.
Tại Đắk Nông, trưa 21/9, trên tuyến ĐH15 (đoạn qua xã Đắk Buk So, huyện Tuy Đức) cũng xảy ra vụ TNGT giữa xe ô tô và xe máy khiến hai em học sinh lớp 8 thương vong.
Một ngày trước đó, khoảng 18h20 tối 20/9, tại Nghệ An, hai xe máy chở 5 học sinh các lớp 9, 10, 11 (ở Quỳnh Lưu và Hoàng Mai) đang đi trên QL48E tông trúng nhau. Hậu quả, một em tử vong tại hiện trường, hai em được đưa đi cấp cứu.
Đây chỉ là số ít các vụ TNGT liên quan đến học sinh xảy ra trên cả nước từ đầu năm học. Tuy nhiên, theo lực lượng chức năng, tình trạng học sinh điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi, điều khiển xe gắn máy dưới 50 phân khối, xe máy điện vi phạm giao thông ngày càng phổ biến.
Trước thực trạng trên, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã ban hành công điện gửi lãnh đạo địa phương về việc tăng cường đảm bảo ATGT cho học sinh, trẻ em. Trong đó, đề nghị các lực lượng chức năng đặc biệt lưu ý tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm đối với các trường hợp học sinh điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm; Xử lý hành vi giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Trong khi đó, nhiều địa phương kiến nghị bổ sung quy định bắt buộc học luật đối với người điều khiển xe đạp điện, xe máy điện, xe dưới 50 phân khối nhằm trang bị kiến thức về giao thông và kỹ năng lái xe cho học sinh, phòng ngừa và ngăn chặn TNGT liên quan đối tượng này.
Đề xuất học sinh từ 16 tuổi buộc phải học kỹ năng lái xe gắn máy
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã đưa vào đề xuất: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định nội dung, chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn cho học sinh từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi tham gia giao thông.
Như vậy, học sinh từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi sẽ buộc phải học kỹ năng lái xe gắn máy an toàn và tham gia chương trình đào tạo, phổ biến Luật Trật tự, an toàn giao thông.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ GTVT cũng từng có công văn trả lời cử tri tỉnh Phú Thọ, thống nhất kiến nghị về việc cần quy định bắt buộc học luật đối với người điều khiển các phương tiện là xe gắn máy.
Bộ GTVT cho biết, theo dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, xe gắn máy là xe cơ giới có hai hoặc ba bánh chạy bằng động cơ được thiết kế, chế tạo để hoạt động trên đường bộ, có vận tốc thiết kế không lớn hơn 50km/h; Nếu động cơ dẫn động là động cơ nhiệt thì dung tích làm việc hoặc dung tích tương đương không được lớn hơn 50cm3; Nếu động cơ dẫn động là động cơ điện thì công suất lớn nhất của động cơ không lớn hơn 4 KW.
Đồng thời, trong dự thảo cũng đã giao "Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định nội dung, chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn cho học sinh từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi tham gia giao thông".
"Với dự thảo quy định nêu trên, khi Luật Trật tự, an toàn giao thông được Quốc hội thông qua sẽ cụ thể hóa kiến nghị của cử tri tỉnh Phú Thọ", Bộ GTVT cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận