Những con đường giao thông nông thôn được bê tông hóa góp phần phát triển kinh tế ở xã nghèo Yên Thượng |
Là một xã thuộc vùng dân tộc và miền núi đặc biệt khó khăn, nhưng Yên Thượng (huyện Cao Phong, Hòa Bình) vẫn đi đầu trong phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn của tỉnh.
“Không xóm nào nhận thì tôi xin nhận…!”
Ông Bùi Đức Chung, Phó chủ tịch UBND xã Yên Thượng cho biết, ngày đầu phát động phong trào làm đường giao thông nông thôn ở Yên Thượng gặp rất nhiều khó khăn, người dân không đồng thuận. Trước thách thức đó, UBND xã Yên Thượng tổ chức một cuộc họp tất cả các trưởng xóm, bí thư xóm, yêu cầu người đứng đầu tuyên truyền, vận động để bà con hiểu rõ về lợi ích lâu dài khi hệ thống đường sá được nâng cấp.
Cuộc họp kéo dài nhiều tiếng đồng hồ, khá bế tắc, thì trong hội trường bỗng một cánh tay giơ lên. Liền sau đó, ông Bùi Trọng Phú (SN 1953, Bí thư xóm Bãi Sét) đứng dậy dõng dạc: “Nếu không có xóm nào nhận thì tôi xin đứng ra nhận. Xóm Bãi Sét sẽ nhận trọng trách đi tiên phong”.
"Trước kia khi chưa có đường bê tông, giá mía bà con trong xã bán chỉ 3 nghìn đồng/cây. Từ ngày có đường, việc đi lại thuận lợi, các thương lái vào tận nơi mua với giá lên đến 6-7 nghìn đồng/cây. Nhiều mặt hàng nông sản khác của bà con trong xã cũng bán được giá cao hơn từ khi đường giao thông nông thôn được bê tông hóa." Ông Bùi Đức Chung |
Ông Bùi Trọng Phú cho biết, ban đầu khi đứng lên tự nhận nhiệm vụ ông cũng hoang mang lắm. “Hồi đó gần như 100% các hộ đều không đồng ý. Đấy mới chỉ là việc hiến đất chứ chưa nói đến chuyện đóng góp ngày công hay đóng góp thêm tiền bạc làm đường. Nhưng tôi nghĩ phải có một thôn, xóm nào tiên phong chứ? Cuối cùng, tôi dùng phương án “mưa dầm thấm lâu”, chia ra mỗi ngày đến một hộ dân để uống nước, nói chuyện”, ông Phú kể.
Câu chuyện của ông Phú bắt đầu từ hồi ông tham gia kháng chiến chống Mỹ với việc mở đường và giữ con đường máu cho xe ra tiền tuyến; rồi những lần thăm thú các địa phương khác thấy sự phát triển kinh tế và đời sống người dân khi có đường sá thuận lợi. Dần dà, mỗi câu chuyện ông lại lồng ghép vào với chuyện làm đường ở địa phương mình: “Đất thì ai cũng quý nhưng mọi người thử nghĩ mà xem, giữ đất trồng mía, trồng cam, trồng lúa rồi thu hoạch phải gánh trên vai đi vài cây số có vất vả không, và bán cho ai? Bớt đi vài tạ thóc nhưng có đường đẹp, hàng hóa dễ bán, mà con cháu sau này cũng được hưởng lợi”.
Trước những phân tích thấu tình đạt lý của vị Bí thư xóm, chỉ trong một thời gian ngắn, gần như 100% số hộ trong xóm Bãi Sét đều đồng thuận tình nguyện hiến đất làm đường. Có hộ hiến đến hàng ngàn mét vuông đất, rồi lại ủng hộ ngày công làm đường. Năm 2015, con đường bê tông nội xóm Bãi Sét với chiều dài 1,3km được khởi công rồi hoàn thành.
Bí thư xóm nêu gương
Còn tại xóm Bãi Sim, ông Bùi Văn Bàn (SN 1960, Bí thư xóm) cho biết, từ trước khi phong trào làm đường nông thôn ở xóm Bãi Sét hoàn thành, ông đã tự cắt đất nhà mình rồi tự bỏ tiền thuê máy móc thiết bị múc đất đắp đường to ra. “Ban đầu tôi cắt hơn 1.000m2 đất vườn rồi bỏ ra gần chục triệu đồng thuê máy xúc đắp đường. Đến khi phong trào làm đường giao thông nông thôn ở xóm Bãi Sét hoàn thành, các xóm khác trong xã bắt đầu thực hiện theo thì tôi cắt tiếp hơn 1.000m2 nữa. Đoạn đường đi qua chỗ nhà tôi là to và rộng nhất”, ông Bàn kể.
Khi đi vận động, ông Bàn đem chính câu chuyện của gia đình ông để khuyên nhủ mọi người. “Có đường to đẹp trước cửa nhà, tôi làm nhà chẳng cần kéo xe cải tiến lấy vật liệu mà thuê hẳn ô tô chở cát, đá về tận nhà, tiện lợi, nhanh chóng mà tính ra xây được cái nhà lại rẻ hơn trước kia nhiều”, ông Bàn thuật lại.
“Trăm nghe không bằng một thấy”, các hộ dân trong xóm cứ nhìn vào nhà ông Bàn là hiểu: “Có đường là thuận tất cả”, từ đó đồng loạt hiến đất, góp công sức làm đường. Bắt đầu triển khai từ cuối năm 2015 nhưng đến đầu năm 2016, con đường bê tông liên xóm ở Bãi Sim dài hơn 1km đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Đến nay toàn bộ xã Yên Thượng đã cứng hóa được 5km đường liên xóm, 2,5km đường nội xóm, 5km đường liên xã. Ông Bàn tâm đắc: “Từ ngày có con đường, mọi người trong xóm phấn khởi lắm, việc sản xuất mua bán cũng thuận lợi hơn rất nhiều”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận