Ghi nhận của PV Báo Giao thông ngày 30/11, nhiều đoạn trên tuyến đường cứu nạn từ thượng lưu cầu Thạch Hãn lên đập Trấm (xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) như “ruộng cày”.
Tại đoạn qua thôn Thượng Phước, giữa 2 đầu con đường đã được đổ bê tông là đoạn mặt đường “ổ gà, ổ voi”, có đoạn “như ruộng cày” chỉ còn một lối đất cứng nhỏ bên mặt đường hằn sâu bánh xe ô tô nhầy nhụa bùn lầy gây mất ATGT, tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNGT.
Một trong những đoạn "như ruộng cày" trên đường cứu nạn dở dang hơn 10 năm nay tại Quảng Trị đoạn gần đập Trấm
Đoạn từ phía trên thôn Tân Xuân lên đến đập Trấm, hầu hết mặt đường lâm cảnh tương tự khiến người đi xe máy gặp muôn vàn khó khăn. Trong khi đó, ngay đoạn đường đất lầy lội bên nền đường đã được đắp cao trong cảnh dở dang phía hạ lưu đập Trấm, một số cống được làm tạm cho người dân đi bên những cây cầu hơn 10 năm nay trơ mố sắt hoen gỉ
Đáng chú ý, ngoài là tuyến đường quan trọng đối với các hộ dân thôn Tân Xuân, Thượng Phước phía hạ lưu đập Trấm. Đoạn tuyến đường đang khiến người đi xe máy phải vất vả đánh vật với bùn lầy này là con đường giao thông huyết mạch của rất nhiều hộ dân ở thôn Trấm và Tân Xuân mới từ phía thượng lưu Đập Trấm về QL1 cũng như trung tâm xã Triệu Thượng và huyện Triệu Phong.
Ông Võ Minh Vy (60 tuổi, thôn Trấm) cho biết, người dân thôn Trấm đa phần là người dân gốc xã Hải Quy (huyện Hải Lăng) lên từ sau năm 1975. “Thời gian trước đây đi lại vất vả lắm, từ thôn Trấm muốn về đường QL1 hay về trung tâm huyện, xã đều phải đi thuyền trên sông Thạch Hãn về đập Trấm”, ông Vy cho hay.
Thế nên, khi Dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng tuyến đường cứu hộ, cứu nạn đoạn từ thượng lưu cầu Thạch Hãn lên đến đập Trấm triển khai hơn 10 năm trước triển khai người dân phấn khởi, mòn mỏi ngóng chờ hoàn thành, rồi ngán ngẩm.
“Nhiều đoạn hư hỏng, sình lầy nên người dân trên này chẳng may đau ốm đột xuất, trong đêm phải về trạm y tế xã, huyện, hay Bệnh viện tỉnh thì chẳng biết làm sao. Đường như thế thì taxi sao lên được, chở xe máy đi thì nguy cơ trượt ngã bất cứ lúc nào”, ông Vy thở dài.
Những đoạn tuyến nói trên thuộc Dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng tuyến đường cứu hộ, cứu nạn đoạn từ thượng lưu cầu Thạch Hãn (do Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị làm chủ đầu tư).
Một đoạn "như ruộng cày" khác trên đoạn từ thôn Thượng Phước lên đập Trấm
Dự án này được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt tại các quyết định năm 2010 và 2013, tổng mức đầu tư gần 328 tỷ đồng, gồm tuyến chính đường cứu hộ, cứu nạn dài hơn 8,1km. Trong đó, đoạn từ Km0 - Km2+ 400 nền đường rộng 20,5m, mặt đường rộng 10,5m; đoạn còn lại nền đường rộng 9m, mặt đường rộng 7m; trên tuyến có 6 cầu, 33 cống các loại.
Tuy nhiên, khi đang triển khai được một thời gian thì dự án này lâm cảnh khó khăn do cắt giảm nguồn vốn đầu tư công, thi công cầm chừng, rồi “đắp chiếu”.
Thời điểm phải dừng thi công, công trình dường cứu nạn này đã thi công nền đường được hơn 6,2/8,1km lớp K95, K98 (hoàn thiện hơn 5,6km, dở dang 671m). Lớp cấp phối đá dăm hơn 4,8/8,1km (hoàn thiện hơn 4,5km, dở dang 217m). Mặt đường đã thi công hơn 3,6km, trong đó thi công hoàn thiện 2 làn xe 2,8km, dở dang 1 làn xe 723m, dở dang 2 làn xe 86m; 6 cầu trên tuyến đều dở dang phần mố cầu và trụ cầu.
Sau khi “tái cấu trúc” dự án, ngày 30/10/2018, UBND tỉnh Quảng Trị đã quyết định phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình đường nối từ cầu Thạch Hãn lên phường An Đôn, chiều dài tuyến hơn 7,4km, điểm đầu giao với QL1 tại Km770, thuộc phường An Đôn (thị xã Quảng Trị), điểm cuối giao với đường bê tông xi măng đập Trấm, thuộc xã Triệu Thượng (huyện Triệu Phong). Bề rộng cũng được “gọt bớt”: nền đường 6,5m, gồm mặt đường 3,5m, lề đường đất mỗi bên 1,5m… Nguồn vốn đầu tư 80 tỷ đồng, gồm ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu 30 tỷ đồng, ngân sách địa phương 50 tỷ đồng.
Ngày 25/9/2019, UBND tỉnh phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng hạng mục công trình đường từ Km0+ 192,22 – Km5+ 600, thuộc Dự án Đường nối từ cầu Thạch Hãn đến trung tâm phường An Đôn. Hạng mục công trình giai đoạn 1 này bao gồm sửa chữa 2/6 cầu dở dang tại Km1+ 656 và tại Km5+ 600, thời gian thực hiện 2019 – 2020.
Các hạng mục còn lại sẽ thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2022 từ vốn ngân sách địa phương và đoạn tuyến “như ruộng cày” trên nằm trong “các hạng mục còn lại” này.
>>>Một số hình ảnh PV Báo Giao thông ghi nhận trên tuyến đường từ thượng lưu cầu Thạch Hãn lên thôn Trấm:
Mặt đường nhầy nhụa bùn đất và cả những "ổ trâu"
Đoạn còn dở dang gần đoạn mặt đường được bê tông 1/2 rồi "bỏ dở"
Một đoạn "ổ gà, ổ trâu" khác trên tuyến
Đoạn thuộc dự án chưa GPMB qua thôn Tân Xuân
Đoạn "như ruộng cày" phía trên thôn Tân Xuân lên đập Trấm
Người dân chạy xe máy bên đoạn dưới nền đường thuộc dự án đường cứu nạn được đắp cao bên những mố cầu dở dang
Đoạn dốc đã bị xe cộ cày nát đầu đoạn đường trên
Đường "như ruộng cày", người đi xe máy chạy bên lối nhỏ đất cứng bên trái đường
Cống tạm trên đường tạm bên những cây cầu trơ mố...
Đoạn đường cứu nạn "lâm nạn" khiến Ban ATGT xã phải đặt biển cảnh báo
... Và người dân "vừa chạy xe vừa run"
Khác với những đoạn tuyến "như ruộng cày" tại dự án đường cứu nạn "lâm nạn" trên, dự án đường tại thôn Trấm mới triển khai đã hoàn thành và cầu Trấm mới đã thay cho cầu cũ...
Trong khi đó, 2/6 cây cầu thuộc dự án đường cứu nạn "lâm nạn" trên được hoàn thành
Tấm biển công trình sau khi dự án đường cứu nạn "lâm nạn" được "tái cấu trúc". Đoạn giao với đường sắt và QL1 phía Bắc cầu Thạch Hãn ngay đầu đoạn tuyến đường nạn này cũng chưa được triển khai.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận