Cần cẩu "nhảy múa" ngay sát những chuyến phà, ghe xuồng qua lại
Tuyến đường Lộ Vòng Cung (TL923) nằm ven sông Cần Thơ có chiều dài gần 30 km đi qua địa bàn nhiều xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn huyện Phong Điền và quận Ô Môn, Ninh Kiều của TP Cần Thơ.
Riêng đoạn thuộc địa bàn huyện Phong Điền, suốt nhiều năm qua, đã xảy ra tình trạng chiếm dụng bờ sông, để xây dựng nhà cửa, làm điểm kinh doanh mua bán…
Điểm tập kết VLXD Trọng Phủ nằm sát bờ sông và nằm cặp một bến phà dân sinh, tiềm ẩn nguy mất an toàn giao thông đường thủy
Theo ghi nhận của PV, dọc theo tuyến đường, có rất nhiều cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD). Các cơ sở này được xây dựng với mặt tiền thuộc Lộ Vòng Cung, còn đất phía sau được xây cất dài ra bờ sông (như nhà sàn).
Khảo sát tại một số điểm, như cửa hàng Trọng Phủ ở thị trấn Phong Điền, cơ sở này có bảng hiệu gắn ở mặt tiền phía trước; dài ra phía sau là nơi tập kết VLXD. Ngoài ra, cửa hàng này còn có 1 điểm tập kết VLXD khác nằm bên kia sông, thuộc xã Nhơn Ái. Cả 2 điểm đều nằm sát bên sông, mỗi ngày, rất nhiều xe tải, sà lan ra vào tấp nập vận chuyển vật liệu, khiến người dân lo lắng bất an về tình trạng sạt lở vốn đã rất nghiêm trọng ở Phong Điền.
Nguy hiểm nhất là điểm tập kết VLXD của Trọng Phủ thuộc xã Nhơn Ái. Điểm này nằm ngay cạnh bên bến đò ngang (đất làm bến liền kề điểm tập kết VLXD) và cách ngã ba Vàm Xáng (luồng đường thủy Quốc gia) chỉ vài chục mét. Mỗi ngày, sà lan cạp cát rồi đưa cần cẩu, gàu múc đầy cát... "nhảy múa" ngay bên trên những chuyến phà sang sông, ghe xuồng chạy ngang... cực kỳ nguy hiểm.
Đoạn sông này có ghe xuồng qua lại khá nhiều, do người dân từ Nhơn Nghĩa, Mỹ Khánh... muốn chở hàng hóa đến chợ Phong Điền phải đi ngang đây. Các vựa trái cây gần đó cũng thường xuyên cho ghe tàu qua lại đoạn sông này để vận chuyển hàng...
Bà L. (một người dân địa phương), cho biết: “Điểm tập kết này có tải nặng rất lớn vì toàn chứa VLXD, lại nằm sát bờ sông. Khu vực này vốn dĩ sạt lở rất dữ và thường xuyên, như vụ sạt lở cầu Trà Niền gần đó, đã từng làm 2 bà cháu thiệt mạng. Mỗi ngày, có rất đông các sà lan tải trọng lớn ra vào điểm tập kết để lấy hàng, nên người dân rất lo ngại sẽ xảy ra sạt lở, ghe tàu va chạm...”.
Lực lượng cứu trợ đang hỗ trợ người dân tháo dỡ, di dời tài sản khỏi khu vực sạt lở ở bờ sông thuộc xã Nhơn Ái vào ngày 22/5/2021, gần điểm tập kết VLXD của Trọng Phủ. Ảnh: Báo Cần Thơ
Theo nhiều người dân địa phương, mỗi lần các sà lan ra vào tạo này dòng xoáy, sóng lớn. Bờ sông phía Nhơn Ái cũng đã nhiều lần sạt lở. Gần đây nhất, ngày 22/5/2021, bờ sông đoạn qua ấp Nhơn Phú, xã Nhơn Ái - cách điểm tập kết VLXD Trọng Phủ vài trăm mét, bất ngờ bị sạt lở với chiều dài trên 50 mét, làm sụp đổ xuống sông phần nhà phía sau, hàng rào, nhà tiền chế… của nhiều hộ dân tại khu vực. Thiệt hại ước tính khoảng 220 triệu đồng.
Chính quyền địa phương nói gì?
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Hồ Phương Thảo, Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phong Điền cho biết, vấn đề cấp phép cũng như quản lý xây dựng hiện nay diễn ra khá chồng chéo. Phòng chỉ cấp phép đối với khu vực trên bờ, còn hành lang an toàn đường sông lại thuộc thẩm quyền của ngành nông nghiệp (theo Nghị định 139). Còn nếu như xảy ra trường hợp cất nhà không đúng mục đích thì lại do Phòng TNMT xử phạt…
Đối với cửa hàng VLXD Trọng Phủ, cơ sở này đã hoạt động nhiều năm với cửa chính nằm trên tuyến Lộ Vòng Cung, còn bên kia sông (cũng giáp bờ sông, thuộc xã Nhơn Ái) là điểm tập kết VLXD. Theo quy định, với những điểm kinh doanh cặp bờ sông sẽ phải xin cấp phép hoạt động bến thủy nội địa, và vấn đề này thuộc thẩm quyền của Sở GTVT nên huyện không nắm, và cũng không thể trả lời cấp phép đúng hay sai.
Tải nặng rất lớn của điểm tập kết VLXD khiến người dân bất an, lo lắng về tình trạng sạt lở.
Theo bà Thảo, qua các lần kiểm tra trước đó, cơ sở Trọng Phủ có giấy phép hoạt động đầy đủ. Tuy nhiên, trước phản ánh của người dân, Phòng sẽ tham mưu cho UBND huyện để phối hợp với các ngành tiến hành tái kiểm tra lại cơ sở này.
Cụ thể là kiểm tra hoạt động có đúng giấy phép, phù hợp với bản vẽ đã xin phép hay không. Ngoài ra cũng sẽ kiểm tra các cửa hàng lân cận. Có thể giấy phép đã hết hạn hoặc không còn phù hợp với hiện tại, hoặc so với hiện trạng sạt lở hiện nay cần phải điều chỉnh…
PV liên hệ với ông Ngô Trọng Phủ, chủ cửa hàng VLXD Trọng Phủ. Qua điện thoại, ông Phủ cho biết, cơ sở của ông hoạt động có giấy phép đầy đủ, nhưng khi phóng viên đề nghị được làm việc trực tiếp để xem giấy phép thì ông Phủ nói: “Muốn gì cứ nói qua điện thoại”.
Theo ông Phủ, giấy phép bến thủy nội địa của cơ sở được cấp hợp pháp, trước đây là 6 tháng cấp một lần, giờ tăng lên 2 năm một lần. “Sà lan chạy ở dưới sông, và chạy chỗ nào cũng vậy. Mỗi ngày sà lan ra vô tại cửa hàng tui, nhưng có sạt lở đâu? Trong khi những chỗ khác, như trong Mỹ Khánh, không có gì vẫn sạt lở”, ông Phủ nói.
PV đặt vấn đề: “Liệu khoảng cách điểm tập kết VLXD có đảm bảo an toàn giao thông đường thủy?”; ông Phủ nói: “Sở GTVT là đơn vị cấp phép, họ thẩm định "ok" thì cấp phép, còn cửa hàng thì cứ theo đó mà hoạt động. Còn báo chí các anh biết gì về khoảng cách, với lại cấp phép? Việc đó là của Sở GTVT làm”.
Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT TP.Cần Thơ cho biết: “Tình trạng xây dựng nhà cửa, chiếm dụng bờ sông làm nơi hàng buôn bán, kinh doanh dọc theo Lộ Vòng Cung đã diễn ra từ nhiều năm qua, với nguyên nhân chính là do “lịch sử để lại”.
Việc cấp phép bến thủy nội địa là thẩm quyền của sở. "Trước phản ánh của người dân về hoạt động của cơ sở Trọng Phủ, sở sẽ cho kiểm tra lại việc này”, ông nói.
Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Clip điểm tập kết VLXD Trọng Phủ thuộc xã Nhơn Ái.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận