Xe công nông chở hàng chất cao ngút và người ngồi vắt vẻo phía trên (Chụp tại đoạn qua trung tâm huyện Krông Nô) - Ảnh: Ngọc Hùng |
Xe độ chế tung hoành
Có mặt trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua thị trấn Đắk Mil, PV Báo Giao thông ghi nhận hình ảnh những chiếc xe độ chế mất an toàn vẫn nhan nhản chạy trên đường. Càng đi sâu vào hướng Tỉnh lộ 3 (trung tâm xã Đắk Sắk, Long Sơn) hình ảnh những chiếc xe độ chế có vôlăng chở người và vật tư cồng kềnh phía sau thùng xuất hiện càng nhiều.
Tại ngã ba Đường Mới (xã Đắk Sắk), chúng tôi bắt gặp hình ảnh một chiếc xe cũ kĩ, trơ khung sắt do một thanh niên điều khiển chở người phía sau, nổ máy inh ỏi, xả khói đen kịt lao vun vút, len lỏi qua hàng chục phương tiện khác đang dừng đi chợ tại đây khiến người nhìn thấy phải rùng mình.
Xe tự chế chạy giữa phố gân ách tắc giao thông |
Theo Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế TNGT và ùn tắc giao thông, kể từ ngày 1/1/2008, đình chỉ lưu hành ô tô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu phương tiện xử lý bán phế liệu, sung vào công quỹ. |
Trên QL28 đoạn qua thị trấn Đắk Mâm (huyện Krông Nô), chúng tôi tiếp tục ghi nhận một chiếc xe độ chế khác, chở đầy ắp những bao lúa, thùng xe được cơi nới thêm cọc gỗ để chất thêm lúa cao ngút cùng với hai thanh niên ngồi vắt vẻo phía trên, tài xế vô tư cho xe đổ dốc với tốc độ cao.
Chị Nguyễn Thị Thu (ngụ huyện Đắk Mil) lo lắng: “Vào mỗi buổi sáng và chiều tối, những chiếc xe máy cày tự chế chở đầy ắp hàng hóa cồng kềnh và người ngồi vắt vẻo phía trên, cùng với tiếng nổ “đinh tai nhức óc”, xả khói đen kịt, phóng bạt mạng trên các tuyến đường khiến người tham gia giao thông phải run sợ. Vào mùa thu hoạch nông sản, lượng phương tiện độ chế xếp hàng dài trên đường. Nguy hiểm hơn, người điều khiển xe độ chế chưa đủ tuổi và không có GPLX”.
Khó xử lý
Theo tìm hiểu, tại đây hầu như nhà nào cũng có xe độ chế lái bằng vôlăng. Loại xe này rất dễ lái và mạnh hơn xe điều khiển bằng càng nên được người dân rất “chuộng”. Hiện, trên địa bàn các huyện của tỉnh Đắk Nông đều có các tiệm cơ khí độ chế loại xe này, giá thành độ một chiếc chỉ từ 5 - 7 triệu đồng nên không khó để người dân “sở hữu”.
Ông Trương Khánh Hòa, Chủ tịch UBND xã Đắk Sắk cho biết: “Ở đây, xe máy kéo độ chế không xa lạ gì với người dân. Họ dùng xe máy cày tự chế lái bằng vô lăng rất nhiều, chủ yếu để phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, vận chuyển nông sản, vật tư nông nghiệp từ nhà đến đồng ruộng, nương rẫy và ngược lại. Cách đây 6,7 năm, người dân sử dụng phương tiện xe máy kéo được tuyên truyền để đăng kí và học lấy GPLX. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây loại phương tiện độ chế tự phát, hoạt động trên khắp các tuyến đường nhưng không thấy văn bản chỉ đạo, xử lý”.
Đủ kiểu chở hàng của công nông tự chế |
Theo Sở GTVT tỉnh Đắk Nông, số lượng xe máy kéo có đăng kí cấp biển số trên địa bàn là 13.502 chiếc, số người học và được cấp GPLX chỉ có 828. Tuy nhiên, con số trên chưa thật sự chính xác bởi Đắk Nông vẫn còn một lượng rất lớn phương tiện chưa đăng ký.
Ông Phạm Văn Mạnh, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Đắk Nông nhìn nhận: “Tình trạng sử dụng xe máy kéo, xe độ chế là tình trạng chung của vùng Tây Nguyên, do đặc thù về địa hình. Người dân làm nông nghiệp thấy tiện và thuận lợi thì “đua” nhau độ chế. Tuy nhiên, hiện nay chưa có cơ quan chức năng nào đứng ra quản lý về cơ sở độ chế xe máy kéo, nên việc kiểm tra, quản lý đang còn gặp nhiều khó khăn”.
Công nông tự chế có mặt khắp nơi |
Theo ông Mạnh, Sở GTVT đã tổ chức đào tạo GPLX máy kéo, đã thông báo trên truyền hình tỉnh Đắk Nông, đồng thời giao cho các trường tổ chức thông báo, tuyên truyền đến cho người dân. Tuy nhiên, do người dân còn khó khăn và đa số là đồng bào dân tộc nên rất khó để thu hút họ đăng kí xe và đi học. Ngoài ra, lực lượng tuần tra kiểm soát chưa thật sự kiên quyết xử lý nên người dân “không sợ”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận