Tỉnh lộ xuống cấp tạo ao nước án ngữ giữa đường đoạn qua xã Cư Kty, huyện Krông Bông - Ảnh: Ngọc Hùng |
Đường nhựa thành... đường đất
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, mặt đường nhựa đã bong tróc để lại lớp đá lởm chởm và nhiều ổ gà, ổ voi. Nắng bụi, mưa lầy lội khiến việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn và tiềm ẩn nguy cơ TNGT. Tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, người dân địa phương liên tục cầu cứu chính quyền về tình trạng xuống cấp, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của tuyến đường này, nhưng chính quyền các cấp vẫn “lực bất tòng tâm”.
Đưa tay chỉ về “ao nước” trước cổng nhà, ông Nguyễn Thành Công (ngụ thôn 5, xã Tân Tiến, huyện Krông Pắk) bức xúc: “Tỉnh lộ 9 từ Phước An (PV - thị trấn Phước An, huyện Krông Pắk) đi huyện Krông Bông đã xuống cấp từ nhiều năm nay. Mùa nắng bụi bặm, mùa mưa ngập nước mênh mông, người dân chúng tôi không thể lưu thông được. Cứ vào mùa mưa, bà con đi lại khó khăn, các cháu học sinh đi học rất khổ sở. Tại đây đã có nhiều vụ tai nạn và va chạm giao thông xảy ra khiến người dân rất lo lắng. Chúng tôi mong mỏi chính quyền các cấp có biện pháp khắc phục để bà con lưu thông được thuận tiện”.
Tiếp tục ghi nhận dọc theo tuyến tỉnh lộ 9 về hướng huyện Krông Bông, con đường nhựa đã hoàn toàn biến thành đường đất. Nhiều vị trí dày đặc ao nước và bùn đất nhão gây cản trở việc lưu thông của các phương tiện. Những chiếc ô tô phải luồn lách, nhích từng chút trên đường. Xe máy, xe đạp di chuyển còn khó khăn hơn, nhiều người chực ngã vì đường quá trơn trượt.
Ông Cao Văn Dũng (ngụ thôn 1, xã Cư Kty, huyện Krông Bông) bức xúc: “Tỉnh lộ mà không khác đường thôn bản thế này là không thể chấp nhận được. Tuyến đường xuống cấp, đi lại khó khăn nên nông sản của bà con làm ra bị thương lái ép giá phải bán rẻ. Nhiều năm qua, người dân phản ánh qua các cuộc tiếp xúc cử tri từ cấp huyện, tỉnh và Trung ương nhưng chính quyền vẫn chưa có câu trả lời thích đáng”.
Đường hỏng 10 năm chưa có vốn sửa
Trao đổi với Báo Giáo thông, ông Huỳnh Bài, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông cho biết, tuyến tỉnh lộ 9 hư hỏng, xuống cấp kéo dài từ 10 năm nay. Năm nào dân cũng kiến nghị, phản ánh. Sau đó, UBND huyện đã có văn bản đề nghị tỉnh sớm bố trí nguồn vốn nâng cấp, cải tạo giúp bà con đi lại thuận lợi hơn, nhưng do thiếu vốn nên đến nay chưa được giải quyết. Đáng ngại hơn, tháng 11/2016, do ảnh hưởng của bão, cầu Cư Păm trên tuyến tỉnh lộ 9 bị gẫy, phải giới hạn tải trọng, chỉ xe dưới 3 tấn mới được phép lưu thông, càng gây khó khăn trong việc lưu thông.
“Thời gian qua, chủ yếu xe con và xe máy được phép lưu thông. Còn các phương tiện chở hàng hóa, nông sản và vật liệu lớn không thể đi qua”, ông Bài nói.
Ông Lê Công Du, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Tỉnh lộ 9 là tuyến đường huyết mạch. Việc tuyến đường xuống cấp nhiều năm gây khó khăn trong công tác đảm bảo ATGT và ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Hiện, chỉ từ Km0 - Km 7 còn mặt nhựa nhưng thường xuyên hư hỏng, hàng năm vẫn bố trí vốn bảo trì để sửa chữa. Còn từ Km7 đến hết tuyến mặt đường nhựa đã bong tróc biến thành đường đất, nên địa phương chỉ có thể bố trí vốn để san lấp ổ voi, ổ gà lớn tạo êm thuận, đảm bảo lưu thông cho người dân. Hiện, chưa có nguồn vốn để làm mới, nâng cấp được”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận