Tin từ Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải VN, tháng 6/2024, tổng số thông tin báo nạn trung tâm thu nhận được là 28 vụ việc. Trong đó, có 26 vụ báo nạn thật, chiếm 92,9%. Trung tâm đã tham gia phối hợp với các cơ quan chức năng tìm kiếm, cứu nạn trên biển trong 23 vụ và có 3 vụ phải điều động tàu chuyên dụng tìm kiếm cứu nạn SAR hoạt động.
Trong 26 vụ báo nạn thật, có 3 vụ tai nạn hàng hải liên quan đến tàu vận tải trên biển, chiếm 11,5%. Ngoài ra, những vụ tai nạn liên quan đến tàu cá vẫn chiếm phần lớn với 20 vụ liên quan đến tàu cá, chiếm 76,9%, cùng 3 vụ việc liên quan đến phương tiện khác.
Kết quả, có 79 người (55 người Việt Nam, 24 người nước ngoài) đã được cứu và hỗ trợ. Ngoài ra, trung tâm cũng tham gia với các lực lượng chức năng xử lý 7 vụ việc tại khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cứu và hỗ trợ cho 24 người Việt Nam và 2 phương tiện.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, trung tâm đã nhận được 157 vụ báo nạn với 149 vụ báo nạn thật. Trong đó, trung tâm đã tham gia phối hợp tìm kiếm cứu nạn trong 132 vụ việc, cứu và hỗ trợ được 646 người.
Một trong những vụ cứu nạn điển hình là vào ngày 30/6, trung tâm đã điều động tàu SAR 412 tại Đà Nẵng cứu nạn thành công 1 ngư dân bị tai biến nặng của tàu cá QNa 91937TS, khi tàu cá này đang hoạt động tại vùng biển Quảng Nam-Đà Nẵng, cách phía Đông Nam Mũi Nghê, bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng 21 hải lý.
Cùng ngày, lực lượng cứu nạn hàng hải phối hợp với tàu CSB 2014 của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam cứu nạn 1 ngư dân bị tai nạn lao động. Nạn nhân bị vật nặng rơi trúng đầu, máu ra nhiều, hôn mê khi đang hành nghề trên tàu cá QB 92907 TS tại vị trí cách phía Đông đảo Lý Sơn khoảng 94 hải lý và cách phía Đông Đông Nam Đà Nẵng khoảng 150 hải lý.
Theo Cục Hàng hải VN, hiện nay, công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) còn nhiều khó khăn. Tình hình thời tiết, thiên tai ngày càng có diễn biến phức tạp, khó lường, trong khi kinh phí cho nhiệm vụ PCTT&TKCN ngày càng bị hạn chế.
Chưa kể, đội tàu chuyên dùng TKCN bị hạn chế về tầm hoạt động và khả năng chịu sóng, gió nên khó khăn trong việc tham gia ứng phó sự cố thiên tai và TKCN.
Ngoài ra, công tác chia sẻ thông tin, phối hợp với các lực lượng TKCN khác đôi khi chưa đáp ứng được tính phản ứng tức thời do cơ chế huy động, chỉ huy, phối hợp điều hành của các lực lượng.
Công tác huy động phương tiện phù hợp, hiệu quả để tham gia phối hợp TKCN trên biển khi tình huống vượt quá khả năng của cơ quan chủ trì TKCN còn nhiều khó khăn, bất cập (như việc động máy bay, phương tiện lặn chuyên dụng...).
Trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTT&TKCN, an toàn giao thông trên biển, Cục Hàng hải VN cho rằng thời gian tới cần phải tiếp tục tăng cường đến với những người tham gia giao thông trên biển, đặc biệt với ngư dân làm việc trên các tàu cá, thuyền viên tàu vận tải nhỏ, phương tiện thủy nội địa mang cấp đăng kiểm VR-SB và phương tiện thủy nội địa khác.
Đây cũng chính là đối tượng quan trọng nhất cần tuyên truyền, phổ biến pháp luật do có nguy cơ tai nạn, chìm đắm cao hơn các tàu thuyền khác.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận